Khảo sát hiện trạng phát triển du lịch golf và hỗ trợ sinh kế cộng đồng dân cư ven biển tại một số tỉnh khu vực phía Nam
Từ ngày 22/7 đến ngày 27/7/2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Đoàn khảo sát kết hợp hai nhiệm vụ “Hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch” và “Phân tích, đánh giá thực trạng du lịch golf ở Việt Nam” tại một số tỉnh miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch làm trưởng đoàn cùng các cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại sân golf Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và sân golf Long Thành (Đồng Nai). Đây là hai sân golf tiêu biểu với lượng golfer (người chơi gôn) lớn, thường xuyên tổ chức các giải thi đấu.
Tiếp đó, đoàn có buổi họp xin ý kiến Sở Du lịch Hồ Chí Minh và các Sở ngành có liên quan về tiềm năng, thực trạng du lịch golf và những yêu cầu định hướng phát triển du lịch golf tại TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: trong định hướng phát triển du lịch của Thành phố có chú trọng đến phát triển du lịch thể thao trong đó có du lịch golf và loại hình du lịch này hoàn toàn tương xứng với tổng quan phát triển của thành phố. Tuy vậy, du lịch golf hiện tại vẫn phục vụ chủ yếu dành cho người có thu nhập cao, nên chưa có nhiều hướng để khai thác, phát triển. Ông Nguyễn Trung Hinh, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao TP. Hồ Chí Minh nhận định: thể thao golf tại Việt Nam chưa phát triển đúng với tiền năng do số lượng sân golf của Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực; thiếu sự liên kết giữa các hiệp hội golf,… Ông cũng đưa ra một số đề xuất để phát triển thể thao golf cũng như du lịch golf: cần đẩy mạnh vai trò của các Hiệp hội golf; tổ chức giải golf TP. Hồ Chí Minh mở rộng hàng năng, tổ chức các tour du lịch golf cho gia đình, tour golf du lịch cho người trẻ,…
Tiếp nối chuyến công tác, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đoàn khảo sát hai sân Paradise Golf Club và The Bluffs Ho Tram Strip. Khác với những sân golf tại vùng đồng bằng, các sân tại đây có những đặc trưng riêng do vị trí gần biển có những điểm gồ ghề (từ bluff trong tiếng Anh) hay những khoảng đất nối liền giữa hai địa hình (link land) rất riêng và lôi cuốn khách chơi golf và khách du lịch đến trải nghiệm.
Kết thúc nhiệm vụ về du lịch golf, đoàn tiếp tục khảo sát một số làng nghề khu vực ven biển tại Long Hải, Phước Hải và Côn Đảo nhằm nắm bắt hiện trạng sinh kế các làng nghề nơi đây. Điểm đến được lựa chọn là những làng nghề còn chưa phát triển du lịch, nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, chưa có hiểu biết gắn kết nghề truyền thống để phát triển du lịch hoặc làng nghề bị mai một do thương mại hóa…
Ngoài ra, đoàn cũng có buổi làm việc với Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu và các đơn vị liên quan. Về hiện trạng, định hướng phát triển du lịch golf: Ông Huỳnh Bách Tiến, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu trao đổi: Tỉnh đã có định hướng phát triển du lịch golf sớm, một số sân golf điển hình đã hình thành và phát triển. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất ủng hộ các doanh nghiệp xây dựng các sân golf có quy mô lớn trong tỉnh. Tuy nhiên, cũng giống như một số địa phương khác, tỉnh cũng gặp một số khó khăn trong chính sách thuế, chính sách đất đai… Chia sẻ tâm huyết của ông Gary Dixon – Tổng giám đốc điều hành The Bluffs Ho Tram strip về thể thao golf và du lịch golf: Phát triển du lịch golf là cần phải có sự kết nối với các dịch vụ khác, cụ thể là các khu nghỉ dưỡng, các dịch vụ giải trí, thể thao khác, cần phải phát triển cả một hệ thống, đa dạng hóa sản phẩm; Tập trung phát triển thị trường khách chơi golf trong nước để giảm thiểu biến động, rủi ro,…
Về nội dung hỗ trợ cộng đồng cộng đồng dân cư ven biển chuyển đổi sinh kế để phát triển du lịch tại địa phương: Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp thông tin về thực trạng cách thức sản xuất, đánh bắt hải sản của cư dân địa phương tại các làng ven biển, và những kế hoạch hành động tỉnh đang dự định triển khai tại tỉnh; Tỉnh đã giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp ngành liên quan về chuyển đổi lực lượng lao động đánh bắt hải sản lên bờ và vào làm ở các làng nghề để phát triển du lịch. Một số nội dung khác bàn thảo tại buổi làm việc như: Cần có những giải pháp nào để chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển gắn với phát triển du lịch; Lợi thế sản xuất/ canh tác của địa phương là gì, có thể gắn với phát triển du lịch được không; Có những khó khăn, vướng mắc gì trong việc chuyển đổi sinh kế cư dân gắn với phát triển du lịch.
Kết quả thu nhận được từ chuyến công tác là những tài liệu, dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng các nội dung chuyên đề và báo cáo tổng hợp các nhiệm vụ./.
Tin: Thanh Hiền, Ảnh: Hoàng Mai