Khảo sát tại khu vực miền núi phía Bắc đánh giá thực trạng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh
Triển khai đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát thực tế và thu thập thông tin tư liệu, tài liệu từ ngày 27/5/2019 đến ngày 02/6/2019 tại các tỉnh Yên Bái – Lai Châu – Lào Cai. Đoàn khảo sát do Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm đề tài làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia nhóm nghiên cứu của đề tài.
Ngày 27/5/2019, đoàn khảo sát các điểm du lịch tại Yên Bái như ruộng bậc thang tại huyện Mù Cang Chải ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình, Thị trấn Mù Cang Chải. Vào mùa cao điểm du lịch (tháng 9, tháng 10), lượng khách đến đây rất đông, các khách sạn và nhà nghỉ du lịch đều kín phòng cho thuê. Bên cạnh hệ thống khách sạn, nhà nghỉ du lịch, hệ thống homestay ở Mù Cang Chải cũng khá phát triển. Bản Thái là một trong những bản dân tộc có nhiều hộ dân kinh doanh homestay.
Theo quan sát của đoàn công tác, Mù Cang Chải chưa có hệ thống xử lý rác thải, nước thải. Nước thải sinh hoạt từ các hộ dân trên địa bàn thị trấn thải trực tiếp ra môi trường, ra hệ thống sông, suối. Dòng Nậm Kim chảy qua thị trấn chưa được cải tạo triệt để, dòng nước đục với ngổn ngang đất đá, vật liệu gây ảnh hưởng lớn đến mĩ quan, cảnh quan. Các hộ dân kinh doanh homestay còn mang tính tự phát, thiếu kinh nghiệm, chất liệu xây dựng homestay và thiết kế cảnh quan cộng đồng homestay chưa thực sự thân thiện với môi trường (bê tông hóa, vật liệu kim khí).
Tiếp đó, từ ngày 29/5 – 30/5/2019, đoàn khảo sát tại Lai Châu với các điểm du lịch là Bản Hon, Bản Thẳm, Pu Sam Cáp, Bản Gia Khâu. Đây là những điểm du lịch văn hóa cộng đồng, đã được khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, tính hiệu quả còn rất thấp. Lượng khách thăm ít, làm du lịch theo mùa, nhỏ lẻ, không phát huy được hết giá trị tài nguyên cho phát triển du lịch.
Đoàn công tác cũng đã tới khảo sát tại Dào San, Sì Lở Lầu, Sìn Suối Hồ. Những giá trị tài nguyên du lịch của Dào San và Sì Lở Lầu còn nguyên tính hoang sơ, nguyên bản. Điều này rất phù hợp cho phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh – phát triển du lịch trên nền tảng tôn trọng tự nhiên, bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Bản Sin Súi Hồ là không gian cư trú của 130 hộ dân người H’Mông. Người dân bản nơi đây rất có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh đường bản sạch sẽ, trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là địa lan, tạo nên một không gian “xanh – sạch – đẹp” rất đáng sống.
Từ ngày 31/5 – 02/6/2019, đoàn khảo sát Lào Cai với các điểm du lịch tại các huyện Sapa – Bát Xát – Bắc Hà. Tại Sapa (Lào Cai) đoàn đã tới khảo sát mô hình của Topas Ecolodge Sapa được đánh giá là đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Và tại Bát Xát, đoàn khảo sát đã tới Mường Hum – Dền Sáng – Sàng Ma Sáo – Y Tý . Tài nguyên du lịch tự nhiên tại đây còn hoang sơ, nguyên bản với những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng già nguyên sinh đan xen với rừng cây dược liệu dưới tán, các thung lũng, hệ thống ruộng bậc thang,… tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Kết thúc chuyến công tác tốt đẹp, đoàn khảo sát đã thu thập được nhiều thông tin thực tiễn, nắm bắt được thực tế tình hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các điểm được lựa chọn khảo sát, thu thập phiếu điều tra, tài liệu, số liệu tại địa phương phục vụ việc nghiên cứu của đề tài.
Quang Đăng & Thái Hà