Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Ngày 08/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng, thành phố Cao Bằng, đã diễn ra Hội thảo quốc tế về “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO” do UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với UNESCO tổ chức.
Với mục tiêu đưa ra những định hướng phát triển du lịch bền vững, tận dụng được những giá trị địa chất, sinh thái và văn hoá bản địa, thông qua Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học uy tín quốc tế đến từ Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, các chuyên gia đến từ CVĐC toàn cầu UNESCO từ Châu Mỹ La Tinh, Châu Âu, Tazania, Thái Lan, Iran, chuyên gia từ trường đại học London South Bank… cùng các nhà khoa học ở Việt Nam từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản, CRED, CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang…
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng CVĐC UNESCO đã đến tham dự và có các bài phát biểu khai mạc, chào mừng.
Hội thảo diễn ra trong hai phiên chuyên đề chính. Phiên 1 – Mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO – Cách tiếp cận phát triển bền vững cho ngành du lịch và Phiên 2 – Kinh nghiệm và mô hình thành công.
Phiên 1 gồm các bài tham luận về giá trị của khoa học địa chất đối với du lịch và giáo dục; mục tiêu phát triển bền vững tầm nhìn 2030 và chương trình CVĐC toàn cầu UNESCO; giáo dục thông qua mô hình CVĐC toàn cầu; mục tiêu phát triển du lịch bền vững thông qua CVĐC toàn cầu tại Cao Bằng; giới thiệu các kinh nghiệm phát triển của CVĐC toàn cầu tại Iran và Tanzania; phát triển thương hiệu du lịch Cao Bằng dựa trên nền tảng CVĐC toàn cầu non nước Cao Bằng; chiến lược kinh doanh du lịch bền vững cho CVĐC toàn cầu Cao Bằng. Theo đó, công viên địa chất toàn cầu UNESCO được đánh giá theo các tiêu chí về giá trị địa chất, địa mạo về sự hình thành trái đất; giá trị đa dạng sinh học cần được bảo vệ; giá trị văn hoá bản địa cần được bảo tồn, độc đáo. Một Công viên địa chất toàn cầu cần phải thực hiện các hoạt động đảm bảo tiêu chí để được công nhận như xây dựng hệ thống cung cấp thông tin (website, trung tâm thông tin, tài liệu tập gấp…), chiến lược đối tác (xây dựng mối quan hệ đối tác với các bên liên quan, xây dựng các đối tác cung cấp sản phẩm cho CVĐC..), đảm bảo sự tham gia của cộng đồng địa phương, phát triển mạng lưới, xây dựng cấu trúc ban quản lý và quản lý tài chính.
Tại Phiên 2, các diễn giả đã trình bày những nội dung về xây dựng và mô hình phát triển CVĐC toàn cầu tại Châu Mỹ La Tinh, tại Châu Âu, Thái Lan và Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); các sáng kiến về phát huy giá trị bản địa trong phát triển du lịch tại CVĐC toàn cầu Cao Bằng, sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế hỗ trợ bền vững, phát triển du lịch cộng đồng và tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch. Nhiều kinh nghiệm phát triển du lịch dựa trên mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO đã được trình bày với những bài học thiết thực, đặc biệt hữu ích đối với Cao Bằng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu bền vững. Các diễn giả cũng đồng thời đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho định hướng phát triển du lịch thông qua CVĐC toàn cầu, cụ thể là CVĐC Non nước Cao Bằng như phát triển thương hiệu du lịch của Cao Bằng dựa trên giá trị CVĐC Non nước Cao Bằng, kế hoạch dài hạn phát triển CVĐC, gợi ý phát triển các sản phẩm địa phương trở thành sản phẩm của CVĐC và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch CVĐC…
Tiếp đó, Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã diễn ra nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai CVĐC toàn cầu UNESCO đầu tiên tại Việt Nam. Thỏa thuận này hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho cả hai CVĐC trong việc chia sẻ, học tập kinh nghiệm, hợp tác trong các dự án chung về phát triển du lịch, bảo tồn tài nguyên và hỗ trợ cộng đồng…
Hội thảo kết thúc tốt đẹp với lễ trao tặng Bằng khen của tỉnh Cao Bằng đối với các cá nhân đã có đóng góp tích cực vào thành công của việc được công nhận CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là Ông Trần Tân Văn, PGS. TS. Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO.
Các kết quả của Hội thảo sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại các CVĐC toàn cầu UNESCO nói chung và CVĐC Non nước Cao Bằng nói riêng.
Hoàng Mai