Phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết giữa vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia
1. Các tiền đề phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết liên vùng
Về nguyên lý chung để phát triển một cách có hiệu quả loại hình sản phẩm du lịch gắn kết các vùng, cần thiết phải dựa trên các yếu tố cơ bản sau:
– Vị trí địa lí và mối quan hệ vùng trong đó đặc biệt là mối quan hệ phát triển về du lịch;
– Đặc điểm tài nguyên du lịch đặc thù để phát triển sản phẩm thế mạnh cho từng vùng;
– Điều kiện để gắn kết phát triển thông qua hệ thống giao thông qua lại giữa các vùng trong đó đặc biệt là hệ thống đường quốc lộ, cao tốc gắn liền với các cửa khẩu quốc tế.
– Các hình thức để gắn kết phát triển loại hình và sản phẩm du lịch.
Trên cơ sở đó có thể nhìn nhận các tiền đề phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết liên vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia như sau:
1.1. Vị trí địa lý và mối quan hệ phát triển du lịch giữa các vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia:
Các vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia là một vùng lãnh thổ rộng lớn liền kề với nhau bao gồm 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có 9 tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung (8 tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ cộng với Thừa Thiên – Huế) 6 tỉnh thuộc vùng du lịch Đông Nam bộ, 5 tỉnh thuộc vùng du lịch Tây Nguyên, 4 tỉnh thuộc Nam Lào và 4 tỉnh thuộc Đông Bắc Campuchia được gắn kết với nhau bằng nhiều yếu tố về tự nhiên, văn hóa – xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh…
Về mặt địa lý lãnh thổ này nằm ở trung độ của lãnh thổ du lịch Việt Nam, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và vì vậy có mối liên hệ thuận tiện với nhau và với nhiều khu vực khác của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trên bản đồ du lịch, có thể nhận thấy, vùng Duyên hải miền Trung là cửa ngõ, “mặt tiền” ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, vùng cũng là điểm trung chuyển, cầu nối của các vùng trên tuyến du lịch xuyên Việt cũng như hành lang du lịch xuyên Á.
Vùng Tây Nguyên có vị trí là khu vực chuyển tiếp, cầu nối và là cửa ngõ của du lịch vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ sang các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và xa hơn là với các nước ASEAN, trong không gian du lịch GMS.
Vùng Đông Nam bộ là cửa ngõ phía Nam và cũng là không gian kết nối với du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch xuyên Việt, du lịch xuyên Á.
Các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia là cầu nối của du lịch Lào, Campuchia với du lịch Việt Nam.
Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia nằm ở khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là khu vực “Tam giác phát triển” của ba nước Đông Dương.
Từ những đánh giá về vị trí địa du lịch, có thể nhận thấy các vùng kể trên có nhiều điều kiện hết sức thuận lợi để gắn kết với nhau trong mối liên kết vùng phát triển du lịch.
1.2. Tiềm năng và thế mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của các vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia:
Các yếu tố về tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội đã tạo cho mỗi vùng có những tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch riêng:
– Vùng Duyên hải miền Trung: Được đánh giá có thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa di sản gắn với văn hóa Chămpa, văn hóa cư dân vùng ven biển, các dân tộc Đông Trường Sơn trong đó điển hình là các di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận (Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn) và các di sản khác thuộc văn hóa Chămpa.
Đặc biệt, về tự nhiên vùng Duyên hải miền Trung có thế mạnh nổi bật về tài nguyên du lịch biển, đảo (các bãi tắm, vũng, vịnh, đầm phá, hệ sinh thái ven bờ và hải đảo). Tại đây có những bãi biển, vũng, vịnh với giá trị cảnh quan và du lịch được thế giới công nhận như Lăng Cô-Cảnh Dương (Thừa Thiên – Huế), Cẩm An (Quảng Nam), vịnh Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), vịnh Quy Nhơn (Bình Định), vịnh Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận) Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận)…
– Vùng Đông Nam bộ: Đây là khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm, có tỷ lệ đô thị hóa 50%. Đông Nam bộ là vùng dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP, cũng như nhiều yếu tố xã hội khác. Vùng có thành phố Hồ Chí Minh là Trung tâm thương mại và kinh tế của khu vực. Thành phố được ví như là “Hòn ngọc Viễn Đông”, với lịch sử hơn 300 năm đã khẳng định vị trí hàng đầu, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế lớn nhất nhì cả nước. Nằm tại ngã tư quốc tế, giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, thành phố cũng được xem là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ quan trọng của Việt Nam thông ra thế giới.
Chình vì vậy Đông Nam bộ có thế mạnh phát triển dịch vụ du lịch tổng hợp, trong đó nổi bật là du lịch MICE. Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch biển của cả nước.
– Vùng Tây Nguyên: Thế mạnh nổi bật là hệ sinh thái cao nguyên, các khu bảo tồn tự nhiên, các vườn quốc gia…gắn liền bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thể hiện qua “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhân văn hóa phi vật thể nhân loại.
– Các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia cũng được đánh giá thế mạnh tài nguyên du lịch sinh thái, cảnh quan và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là khu vực được xác định có điều kiện về tự nhiên và kinh tế – xã hội khá tương đồng với các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam.
Có thể nhận thấy giữa các vùng có nhiều nét tương đồng về kinh tế, văn hóa, lịch sử nhưng cũng có những đặc trưng riêng biệt về tài nguyên du lịch. Mỗi vùng đều tiềm tàng thế mạnh và khả năng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch để tạo dựng nên thương hiệu của riêng mình. Đây là yếu tố cốt lõi để gắn kết các vùng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch.
1.3. Hệ thống giao thông và khả năng liên kết phát triển du lịch giữa các vùng:
Giao thông là yếu tố quan trọng cho khả năng liên kết phát triển du lịch. Do vị trí của các vùng có sự liền kề nhau nên giữa các vùng có hệ thống giao thông đường bộ, đường không nối với nhau thuận tiện:
Về giao thông đường bộ: Hệ thống các quốc lộ theo các trục Bắc – Nam và Đông – Tây như quốc lộ I và đường cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh (hướng Bắc – Nam), QL 13,19, 20, 21, 24, 25, 26, 27, 28…theo hướng Đông – Tây.
Cửa khẩu đường bộ Bờ Y gắn liền với “Tam giác phát triển” Đông Dương là mắt xích hết sức quan trọng trở thành cửa ngõ thông thương để kết nối các vùng. Ngoài ra, trên dọc tuyến biên giới đường bộ giưa Việt Nam, Lào Campuchia còn có các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính khác dọc theo tuyến biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia như Lệ Thanh (Gia Lai), Hoa Lư (Bình Phước)…là những “cửa ngõ phụ trợ” cho các vùng trong mối liên hệ gắn kết phát triển du lịch. Việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đường bộ giữa Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia góp phần tạo nên đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển đã tạo tiền đề gắn kết các vùng phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.
Về đường hàng không: Hầu hết các vùng kể trên đều có sân bay quốc tế và nội địa nên giao thông và khả năng kết nối bằng đường không cũng thuận tiện như Tân Sơn Nhất (vùng Đông Nam bộ), Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Cam Ranh (vùng duyên hải miền Trung), Buôn Mê Thuột, Pleiku (Tây Nguyên) và sân bay Atapư (Nam Lào)…
Đường sắt Bắc – Nam và hệ thống giao thông đường biển của các tỉnh vùng duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam bộ cũng là điều kiện để gắn kết phát triển loại hình và sản phẩm du lịch.
1.4. Về hình thức gắn kết phát triển loại hình và sản phẩm du lịch:
Dựa trên các yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và đặc điểm tài nguyên du lịch, giữa các vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia cóp thể gắn kết phát triển du lịch theo các hình thức sau:
– Gắn kết theo từng loại hình và từng khu vực (từng vùng) lãnh thổ: Là hình thức gắn kết phát triển loại hình và sản phẩm du lịch theo tính chất chuyên đề, với cùng đặc điểm để phát huy thế mạnh đặc trưng về tài nguyên du lịch. Có thể là hình thức gắn kết giữa hai vùng liền kề nhau hoặc những vùng có tính chất du lịch tương đồng.
– Gắn kết tổng hợp, toàn diện: Là sự gắn kết tất cả các vùng và phát triển tổng hợp các loại hình, sản phẩm du lịch. Đây là sản phẩm du lịch tạo nên thế mạnh và hấp dẫn khách du lịch nhất.
2. Định hướng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết liên vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia
Trên cở sở đánh giá những đặc thù về tài nguyên du lịch, theo Chiến lược phát triển du lịch theo vùng của du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có thể định hướng phát triển các loại hình và sản phẩm gắn kết như sau:
2.1. Gắn kết phát triển loại hình và sản phẩn du lịch biển, đảo: Với loại hình và sản phẩm du lịch biển, đảo có thể gắn kết giữa vùng duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam bộ để tạo nên thương hiệu du lịch biển Việt Nam.
Với định hướng liên kết này có thể phát triển gắn kết 8 tỉnh duyên hải miền Trung với Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh…
2.2. Gắn kết phát triển loại hình du lịch sinh thái: Với loại hình phát triển du lịch sinh thái có thể kết hợp giữa các vùng trong đó lấy trọng tâm là vùng Tây Nguyên. Theo hướng này cần mở rộng và phát triển chương trình du lịch đã được hình thành ”Con đường xanh Tây Nguyên” .
2.3. Gắn kết phát triển loại hình du lịch văn hóa-lịch sử: Mỗi vùng đều có các đặc trưng văn hóa riêng vì vậy để tạo nên sự hấp dẫn cần có sự gắn kết giữa các vùng để khai thác phát triển loại hình và sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử. Với loại hình và sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử dựa trên các yếu tố cốt lõi là các di sản văn hóa thế giới và di sản văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn. Theo hướng này cần mở rộng và phát triển các sản phẩm du lịch đã được định hình ”Con đường Di sản Đông Dương” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh”.
2.4. Gắn kết phát triển loại hình du lịch văn hóa-lịch sử và sinh thái: Đây là hướng gắn kết phát triển loại hình và sản phẩm du lịch tổng hợp, toàn diện nhất giữa các vùng vừa khai thác các giá trị sinh thái vừa khai thác được các đặc trưng văn hóa của mỗi vùng nên khả năng tạo nên được các chương trình du lịch hấp dẫn nhất.
– Vùng Duyên hải miền Trung khai thác phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch biển, đảo (nghỉ dưỡng biển, tàu biên, sinh thái biển…) gắn với du lịch văn hóa di sản thế giới, văn hóa Chămpa, văn hóa cư dân vùng ven biển, các dân tộc Đông Trường Sơn. Bên cạnh đó cũng đồng thời phát triển các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như cồn cát, đầm phá, ghềnh, vũng vịnh…
– Vùng Tây Nguyên khai thác phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với sinh thái núi cao của ‘Đại ngàn Tây Nguyên”, với bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tập trung xung quanh “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”.
– Vùng Đông Nam Bộ phát triển phát triển khai thác phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo, hệ sinh thái đất đỏ miền Đông với các giá trị văn hóa-lịch sử và vai trò của thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm du lịch quốc gia, đầu mối phân phối khách du lịch cho các vùng.
2.4. Các tuyến du lịch chủ đạo gắn kết phát triển loại hình du lịch giữa các vùng: Để tập trung phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết liên vùng, trên cơ sở mạng lưới đường bộ, cửa khẩu biên giới…có thể phát triển theo các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế theo định hướng phát triển không gian du lịch của Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
– Tuyến theo quốc lộ IA (AH1) và đường sắt Bắc Nam trên cơ sở tuyến xuyên Việt và xuyên Á.
– Tuyến theo quốc lộ 14 và đường Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh –Buôn Ma Thuột – Pleiku – Cửa khẩu Bờ Y – các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia…).
– Tuyến theo quốc lộ 20 (Thành phố Hồ Chí Minh –Đà Lạt).
– Tuyến theo quốc lộ 19 (Quy Nhơn – Pleiku – cửa khẩu Bờ Y – các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia…)
– Tuyến theo quốc lộ 13 qua cửa khẩu Hoa Lư – các tỉnh Đông Bắc Campuchia…
3. Một số giải pháp phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết liên vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia
Trên cơ sở xác định các tiền đề và định hướng gắn kết phát triển loại hình và sản phẩm du lịch giữa các vùng, có thể đề xuất một số giải pháp trước mắt để tăng cường khả năng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết các vùng như sau:
– Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị nổi bật của từng vùng để tạo nên sự khác biệt, nét đặc trưng về sản phẩm du lịch theo quy hoạch phát triển du lịch của các vùng trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp phần tăng cường thu hút khách;
– Phát triển du lịch có chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để đảm bảo sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao;
– Tăng cường liên kết để tạo nên các loại hình và sản phẩm du lịch tổng hợp;
– Tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ quan trọng trên địa bàn các vùng đặc biệt là các tuyến đường qua các cửa khẩu quốc tế quan trọng như Bờ Y, Lệ Thanh, Hoa Lư; cải tạo môi trường cảnh quan, xây dựng các trạm dừng chân trên những tuyến du lịch liên kết các vùng.
– Bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ, cần nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng về đường hàng không, đường biển để tăng khả năng liên kết phát triển du lịch giữa các vùng của 3 nước.
TS.KTS Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch