Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số việt nam nhằm khai thác cho du lịch

       5.vanhoadantoc 1 Trong những năm qua, Du lịch đã dần khẳng định vị trí trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để làm được điều này, việc kết hợp giữa văn hóa và du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra tính hấp dẫn riêng có của du lịch. Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch đã nhận được nhiều sự quan tâm đánh giá của các chuyên gia và nhìn chung đều thống nhất ở điểm chú trọng yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc là cần thiết, vừa bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị nhằm hướng tới việc phát triển du lịch bền vững.
       Trong quá trình dựng nước và giữa nước lâu dài, nhân dân Việt Nam đã tự tạo ra một nền văn hóa riêng biệt và dần nâng lên trình độ văn minh. Nền văn hóa và văn minh đó đã khẳng định sự tồn tại độc lập của người Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia của mình, sát cánh cùng các dân tộc ít người. Nền văn hóa đó rất đa dạng và nhiều màu sắc, phản ánh cuộc sống lao động sáng tạo và tự chủ của cư dân sống trên đất nước Việt Nam.

       Qua nhiều phân tích giữa các khía cạnh vật chất và tinh thần, khái niệm văn hóa có thể được hiểu theo nhiều mức độ khác nhau từ chung đến riêng, từ nông đến sâu nhưng đều có ý nghĩa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra, trong quá trình phát triển lịch sử.
       Dân tộc trên khía cạnh văn hóa là một đối tượng phong phú và hấp dẫn trong hoạt động kinh tế cũng như du lịch. Cộng đồng người Việt Nam gồm 54 dân tộc anh em, trong đó người Kinh chiếm đa số, chủ yếu sống tại các đô thị lớn. Các dân tộc khác sống rải rác khắp nơi trên toàn quốc. Các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo với nhiều ngành nghề cổ truyền, nhiều kỹ năng độc đáo và các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Mỗi dân tộc có bản sắc riêng, tất cả đã tạo nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc. Nếu chúng ta có quy hoạch kèm theo các giải pháp thích ứng thì yếu tố dân tộc đặc thù ở Việt Nam sẽ trở thành nguồn lực quan trọng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà còn thúc đẩy phát triển cả lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nét văn hóa riêng có ấy cũng là nhân tố tích cực tạo nên sự hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Để phát triển du lịch, chúng ta cần phải quan tâm nghiên cứu để có cách thức khai thác tốt hơn và có trách nhiệm hơn. Có thể tóm tắt việc khai thác cho du lịch tập trung vào những vấn đề cụ thể sau:
       Các di tích lịch sử văn hóa gắn với các giá trị đặc trưng về các di sản văn hóa như đình, đền, chùa, miếu, các khu tưởng niệm riêng của cộng đồng…Điều này hết sức có ý nghĩa trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch trong khu vực.
       Các loại hình nghệ thuật truyền thống với 3 loại hình lớn là văn học dân gian, nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, múa, sân khấu) và nghệ thuật tạo hình. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn có giá trị lớn nhất đối với việc khai thác phát triển các sản phẩm du lịch bởi tính hấp dẫn của một dạng tài nguyên động nơi mà khách du lịch có thể trực tiếp trải nghiệm và đem lại những giá trị cảm xúc khác biệt trong sự thẩm nhận của du lịch một cách sinh động và chân thực.

    5.vanhoadantoc 2


       Xét một ví dụ điển hình về văn hóa truyền thống của Việt Nam được khách du lịch nước ngoài biết tới nhiều chính là những làn điệu dân ca ở khu vực Trung du đồng bằng Bắc Bộ ví dụ như hát Xoan, Ghẹo ở Phú Thọ, quan họ ở Bắc Ninh…hay du khách vẫn thường đắm mình với điệu hò tha thiết trên dòng sông Hương của Huế hay bị hấp dẫn bởi những làn điệu dân ca Nam Bộ miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long…Dân ca là những làn điệu do chính người dân sáng tác, mỗi làn điệu dân ca chính là tiếng nói của người dân, là sự phản ánh qua lăng kính chủ quan của nhân dân về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Ở đó, người xem thấy được cuộc sống, thấy được tâm hồn của con người mỗi địa phương và cũng là nét đặc trưng để phân biệt văn hóa vùng, miền. Từ hình thức diễn xướng dân gian khi đi vào trong du lịch lại có được những màu sắc và hình ảnh đậm nét và thu hút khi khách du lịch được trực tiếp tham gia.
       Với sức sống mãnh liệt, với sự cần cù, với bàn tay khéo léo và một bộ óc sáng tạo cùng với sức chịu đựng và lòng kiên trì nhẫn nại đáng khâm phục các dân tộc đã tạo nên cho họ một cuộc sống từ vùng núi đến đồng bằng vô cùng hấp dẫn mà khó tìm được ở những nơi khác. Tại đây, kho tàng vô giá của những huyền thoại, truyền thuyết, truyện kể, những điệu múa, lời ca tiếng hát, những nhạc cụ dân tôc với những bản tình ca làm say đắm lòng người. Có thể kể đến hát sli, lượn, khắp của những điệu xòe hấp dẫn của vùng cao nơi người Tày, Nùng, Thái sinh sống. Những câu chuyện cổ tích lý thú, trường ca của người Mường luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà nghiên cứu. Hay những điệu múa mùn, múa loong, múa sạp của người Muồng, Thái, Tày, múa khèn, múa ô của người H’mông, múa rùa, múa chịm, múa chuông của người Dao có khả năng truyền cảm hứng đặc biệt cho khách tham quan. Hay các trò chơi đánh dân gian trong cuộc sống và trong lễ hội cũng là những yếu tố mang đầy tính nhân văn của đồng bào các dân tộc..
       Bên cạnh đó, nghệ thuật dân gian và các hình thức diễn xướng dân gian cũng là những yếu tố được đặc biệt yêu thích đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đánh công là nghệ thuật độc đáo không chỉ ở khu vực phía Bắc với đặc trưng nghệ thuật của người Mường mà đây cũng là một nét văn hóa riêng có của vùng Tây Nguyên Nam Trung bộ. Trong những ngày hội, tiếng giàn cồng, chiêng ngân vang rạo rực lòng người.
       Tại Sapa (Lào Cai) mỗi dân tộc đều có tiếng nói, phong tục tập quán riêng, có bề dày truyền thống văn hóa thể hiện ngay trong sinh hoạt giao tiếp, trong các lễ hội, cách ăn mặc, trang phục, âm nhạc, ca múa rất phong phú về nội dung và hình thức. Các lễ hội truyền thống như lễ hội Gầu Tào của người Mông, người Giáy, lễ tết nhảy của người Giao đỏ, hội hát then của người Tày, múa mừng được mùa của người Xa Phó, lễ hội ăn thề bảo vệ rừng của các dân tộc. Ngoài những hình thức múa hát nói trên còn có hát ru, hát đồng giao, hát giao duyên, các bài ca trong lễ cưới.
    Sinh hoạt giao duyên của trai gái H’mong, Dao thường có các hình thức thổi sáo, gảy đàn môi, hát giao duyên. Đây là những phiên chợ tình mang đậm sắc thía vùng cao.Chữ Thái Cổ và những điệu xòe từ bao đời nay được mệnh danh là tinh hoa của người dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, những điều xòe đặc sắc đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Những làn điệu xòe trong vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái “không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Câu dân ca thái tự ngàn xưa đã khẳng định vị thế điệu xòe trong đời sống là như vậy….
       Trong quá trình đổi mới mở cửa, giao lưu hội nhập hiện nay các loại hình nghệ thuật trong văn hóa cổ truyền các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số trở thành nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
       Tuy nhiên, có một một thực tế đáng buồn hiện nay là tại không ít địa phương việc chăm lo gìn giữ, truyền dạy phục hội đã không được chú trọng. Nhiều loại hình nghệ thuật đã trở nên méo mó, mai một dần. Nguyên nhân có thể kể đến đó là sự ra đi của các nghệ nhân khi chưa kịp truyền lại cho các lớp hậu thế, một phần đãi ngộ và chính sách tổ chức còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác tổ chức biểu diễn để các loại hình nghệ thuật văn hóa bị chi phối bởi các hoạt động kinh tế làm mất đi sự tinh túy của văn hóa cổ truyền vốn có chưa nói đến sự méo mó, biến đổi, lai tạp.

    5.vanhoadantoc 3

       Du lịch càng phát triển, nhu cầu được tìm hiểu, khám phá và thưởng thức nghệ thuật của khách du lịch ngày càng cao thì sự thu hút của các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc, điều tạo nên bản sắc riêng của sản phẩm du lịch Việt Nam càng có tác động mạnh tới quyết định lựa chọn của du khách. Chính vì thế, không chỉ có các nhà quản lý quan tâm tới lĩnh vực du lịch hay văn hóa mà chính các cơ sở kinh doanh du lịch lữ hành cũng chú trọng, đầu tư nhiều hơn để cải thiện và đổi mới sản phẩm nhằm tạo nên tính mới lạ hơn nữa trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, những vấn đề này còn chưa được tiến hành một cách đồng bộ, thiếu sự kết hợp, thiếu tính liên kết và ở một số nơi còn manh mún, tự phát chưa có sự quản lý và kiểm soát gắt gao. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh mà còn làm biến dạng hoặc thương mại hóa các giá trị văn hóa bản địa.
       Do đó, thực sự cần có những giải pháp mang tính vĩ mô và sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng nhằm chấn chỉnh các hoạt động văn hóa được khai thác trong du lịch, tránh tình trạng sân khấu hóa tất cả các giá trị văn hóa để đảm bảo việc gìn giữ bản sắc đồng thời giao lưu, hội nhập với thế giới.
      Đề xuất một số kiến nghị nhằm phát huy, bảo tồn văn hóa cổ truyền truyền thống của các dân tộc nói chung, các dân tộc thiểu số nói riêng. Đây cũng là nội dung những người làm du lịch cần phải quan tâm sâu sắc hơn nữa để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
       – Khảo sát điều tra, phân lại các loại hình nghệ thuật hiện nay của dân tộc thiểu số. Đánh giá mức độ cần thiết ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng để đầu tư phát triển kịp thời, hợp lý.
       – Cần nghiên cứu kỹ và đề xuất các phương án khai thác trong phạm vi cho phép, không nên đại trà phổ biến các loại hình nghệ thuật, nhất là các loại hình đã được công nhận là di sản văn hóa.
       – Kiểm duyệt chặt chẽ, chế tài xử phạt đủ sức răn đe trong các lễ hội khi sử dụng các loại hình nghệ thuật phục vụ lễ hội nhằm ngăn chặn sự làm mất đi tinh túy cổ truyền của các loại hình khi đưa ra phục vụ lễ hội.
       – Chính sách đãi ngộ các nghệ nhân (cả sưu tầm và truyền dạy) tạo điều kiện để các nghệ nhân hoạt động hiệu quả. Có chính sách khen thưởng xứng đáng (vật chất và tinh thần với các danh hiệu tôn vinh).
       – Cơ quan quản lý cần mở các lớp đào tạo có quy mô, gồm những nhạc sỹ và nghệ sỹ dân gian để truyền thụ những làn điệu dân ca cho thế hệ sau. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của quá trình bảo lưu những làn điệu dân ca truyền thống nói riêng và các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói chung trong tương lai.
       – Xây dựng mối liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp và các nhà quản lý để tạo ra những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dễ tiếp cận đối với du khách và tạo môi trường biểu diễn phù hợp trong điều kiện doanh nghiệp và không làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của địa phương.

    5.vanhoadantoc 4

       “Nếu chúng ta quên lãng đầu tư cho văn hóa thì du lịch phát triển không bền vững. Chúng ta làm du lịch phải có một định hướng rõ ràng, phải bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc vì đó chính là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong chuyên đề về xây dựng văn hóa, con người, Đảng ta chỉ rõ mục tiêu chung là “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện –Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính vì thế, trong tương lai, việc kết hợp khai thác các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng cần được quan tâm và đầu tư hơn về mặt khoa học nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và nâng tầm những sản phẩm du lịch giàu tính nhân văn.
       Tài liệu tham khảo
       1. Một số vấn đề về lịch sử Việt Nam, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khoa Lịch sử, 1997
       2. Quy hoạc tổ thể phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tổng cục Du lịch, 2013
       3. Đất nước Việt Nam, công ty tuyên truyền quảng cáo Du lịch (Vietnam Tourism, 1990
       4. Tạp chí Gia đình – Xã hội – Báo xuân 2016
       5 Khai thác giá trị du lịch từ yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc, Website Đảng Cộng Sản Việt Nam
       6. Bảo tồn tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Chí Kiên, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, 8/2016

    Lan Hương – QLHKH

    Bài cùng chuyên mục