Khảo sát thực địa mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Hải Phòng, Quảng Ninh
Triển khai thực hiện Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ 2021 – 2022: “Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát tại Hải Phòng và Quảng Ninh trong thời gian từ ngày 09/6 – 12/6/2022. Đoàn công tác do TS. Lê Quang Đăng – Chủ nhiệm Đề tài làm trưởng đoàn, cùng các thành viên tham gia thực hiện đề tài.
Hải Phòng và Quảng Ninh là những địa phương có du lịch phát triển ở khu vực duyên hải Đông Bắc, có hoạt động mô hình kinh tế chia sẻ và có nhiều doanh nghiệp du lịch tham gia kinh doanh theo mô hình này. Vì vậy, chuyến khảo sát được thực hiện tại 02 địa phương nêu trên với mục đích nắm bắt tình hình thực tế cũng như có được những đánh giá chính xác về hiện trạng mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại đây.
Tại Hải Phòng, đoàn công tác đã có các buổi khảo sát và làm việc với một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trên các nền tảng chia sẻ như: Đồ Sơn Resort & Casino, Flamingo Cat Ba Beach Resort, Central Hotel 2 Cat Ba… Cùng với đó, tiến hành khảo sát kết hợp điều tra khách du lịch tại một số điểm du lịch trên đảo Cát Bà.
Tại Quảng Ninh, đoàn đã khảo sát, gặp gỡ và làm việc với đại diện quản lý một số doanh nghiệp thuộc tập đoàn Sun Group: Premier Village Ha Long Bay Resort, Yoko Onsen Quang Hanh; khảo sát kết hợp điều tra khách tại Sun World Ha Long Complex, Bảo tàng Quảng Ninh, Tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng Tuần Châu…
Thực tế ghi nhận của đoàn công tác trong quá trình khảo sát thấy rằng, sau thời gian chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm vừa qua, ngành du lịch của cả nước nói chung và tại Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, sau thời gian bị hạn chế do dịch, lượng khách đến du lịch tại 02 địa phương kể từ sau khi Việt Nam mở cửa đang dần tăng lên. Đặc biệt, thời điểm hiện tại đang được coi là giai đoạn cao điểm đón khách của Cát Bà (Hải Phòng) và Hạ Long (Quảng Ninh). Hầu như các khách sạn đều kín phòng vào ngày cuối tuần, khách du lịch nếu không đặt trước qua các nền tảng chia sẻ như: Booking, Agoda, Traveloka, iVIVU, Chudu24h.com, Mytour…, thông qua các đại lý, hoặc liên hệ với khách sạn thì sẽ gặp khó khăn trong việc đặt phòng khi đến trực tiếp.
Các doanh nghiệp đoàn đã đến khảo sát và làm việc hiện đều có kết nối kinh doanh phòng lưu trú trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến (OTA) của nước ngoài và Việt Nam. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hợp tác với các nền tảng chia sẻ giúp doanh nghiệp đa dạng kênh bán hàng, tạo được nguồn doanh thu tương đối ổn định. Tuy nhiên, do hoạt động du lịch tại 02 địa phương vẫn mang đặc điểm tính mùa vụ, tập trung vào các tháng hè, các doanh nghiệp hiện liên kết chủ yếu với các đại lý lữ hành, nên hiệu quả bán phòng trên các OTA chưa cao.
Kinh tế chia sẻ nói chung và trong du lịch nói riêng là một trong những mô hình phát triển tất yếu của kinh tế toàn cầu. Để hoạt động mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch có hiệu quả, trong thời gian tới chính phủ cần nghiên cứu bổ sung, ban hành quy định pháp luật, quy định rõ trách nhiệm của các bên tham gia trong mô hình kinh tế chia sẻ, cũng như xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ; các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng chia sẻ cần nâng cao trách nhiệm, tạo dựng uy tín đối với khách hàng; tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các OTA và các doanh nghiệp truyền thống…
Những thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình khảo sát sẽ là dữ liệu quan trọng để nhóm nghiên cứu tổng hợp, xây dựng nội dung đề tài.
Dưới đây là một số hình ảnh của Đoàn khảo sát tại Hải Phòng, Quảng Ninh:
Tin&Ảnh: Trần Thị Hồng Trang