Hội thảo quốc tế trực tuyến “Du lịch tiếp cận và bao trùm: Điển hình tốt về các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong khu vực APEC”
Trong hai ngày 17 và 18/11/2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tham gia chuỗi hội thảo về “Du lịch tiếp cận và bao trùm: Điển hình tốt về các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong khu vực APEC” do Trung tâm Đào tạo thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á (APEC) tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại vụ và Thương mại Úc, Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (Australian AID) và trường đại học RMIT tại Úc. Chủ trì chuỗi hội thảo là ông Martin Heng, chuyên gia truyền thông về du lịch bao trùm. Chuỗi hội thảo này bao gồm những phát biểu, thảo luận đến từ các nhà chuyên môn về du lịch trong khối thành viên khu vực APEC như: các blogger du lịch, các nhà điều hành du lịch, các đại diện khu vực du lịch chuyên đề và các tổ chức phi chính phủ tham gia vào công cuộc nâng cao, tăng cường du lịch tiếp cận. Ngoài ra, cũng có rất nhiều các cơ quan quản lý, tổ chức học thuật, đào tạo, các doanh nghiệp và các đại diện hiệp hội đến từ nhiều quốc gia tham dự và học hỏi những kinh nghiệm, bài học được chia sẻ trong suốt quá trình các buổi hội thảo diễn ra.
Buổi hội thảo chuyên đề thứ nhất đề cập tới góc nhìn của du khách và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ về vấn đề phổ cập, tổ chức và hiện thực hóa du lịch tiếp cận. Các blogger du lịch, đại diện cho phía khách du lịch cho rằng mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là những nhóm thiểu số, người khuyết tật, gia đình có trẻ nhỏ, nhóm người cao tuổi cần chăm sóc đặc biệt, có quyền bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ du lịch, lữ hành, cũng như được thông tin, hướng dẫn đầy đủ về các trải nghiệm và hình thức phục vụ. Thời gian vừa qua các cộng đồng thiểu số cũng đã tạo ra nhiều diễn đàn trên các trang mạng xã hội, các website để trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau trong những chuyến tham quan, trải nghiệm. Thông qua những phương tiện truyền thông này, các blogger cũng khuyến nghị và gợi ý các nhà tổ chức du lịch và chính quyền địa phương đáp ứng một cách tối đa các nhu cầu riêng biệt của khách du lịch như một cách để nâng cao quy chuẩn dịch vụ.
Trong nỗ lực giúp đỡ các nhóm thiểu số có được trải nghiệm du lịch xuyên suốt và an toàn, các nhà điều hành du lịch quy mô nhỏ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục và đào tạo nhân viên của họ bằng các chủ đề liên quan tới du lịch tiếp cận và dịch vụ cao cấp, đa dạng cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, những cơ sở này cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và áp dụng hệ thống công cụ hỗ trợ du khách, đặc biệt là nhóm người khuyết tật. Thực tế cho thấy các biện pháp này chỉ được áp dụng tại một số doanh nghiệp nhỏ, chưa đồng bộ và chưa nhất quán. Nhiều yêu cầu đặc biệt/cá nhân của du khách còn chưa được đáp ứng đầy đủ do sự hạn chế về khả năng tài chính và thiết bị chuyên dụng. Do đó, đã có những tổ chức trực tiếp bày tỏ sự thiết yếu của việc nâng cao độ tiếp cận trong du lịch với các cấp chính quyền. Công tác truyền thông và marketing cũng phải chắc chắn truyền tải những thông điệp nghĩa về du lịch tiếp cận và bao gồm trên các phương tiện đại chúng, các chiến dịch mạng xã hội hay các trang thông tin du lịch. Những chuyên gia điều hành này cũng nhận định rằng việc đảm bảo và kiến tạo trải nghiệm du lịch tích cực là trách nhiệm của tất cả các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị của ngành, vì thế cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên cung ứng để có thể hoàn thiện hệ thống phục vụ một cách tối ưu.
Tiếp theo đó, chuyên đề hội thảo thứ hai đi sâu vào những điểm nổi bật, tiến bộ và vai trò của các nhà quản lý, các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương trong việc triển khai du lịch tiếp cận tại một số điểm đến du lịch. Đóng góp tại hội thảo, các chuyên gia quản lý vườn/công viên sinh thái trong khu vực APEC đã chỉ ra nhiều giải pháp cụ thể về cung cấp dịch vụ tiếp cận, phục vụ cho quá trình tổ chức các hoạt động du lịch ngoài trời. Đầu tiên, cần phải xây dựng và thiết kế các tuyến, chuỗi trải nghiệm riêng biệt cho các nhóm thiểu số, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết theo nhu cầu cá nhân của khách hàng. Vì địa hình hiểm trở tự nhiên của các điểm đến có thể gây cản trở cho quá trình tham quan của du khách, các bên tổ chức cần phải lên kế hoạch và kiến thiết những con đường “đặc biệt” hoặc sử dụng xe chở chuyên dụng để hỗ trợ kịp thời, chẳng hạn như “xe lăn địa hình” do tổ chức Emerging Horizons đề xuất.
Để có thể thực hiện được những biện pháp nêu trên, các chuyên gia nhất trí rằng các điểm phục vụ phải nắm rõ thông tin và tìm hiểu những vấn đề riêng biệt của khách hàng, tránh gây ra rủi ro trong các hoạt động ngoài trời, nhất là các hoạt động mạo hiểm. Nhân lực du lịch cũng cần được tập huấn và nắm rõ quy trình vận hành từng tuyến trải nghiệm cho các nhóm đối tượng khác nhau. Hơn nữa, công tác xúc tiến du lịch nên chú ý quảng bá các dịch vụ riêng biệt, bởi đây là một thế mạnh cạnh tranh và vượt trội trong việc thu hút cộng đồng nhóm khách hàng thiểu số, nhóm khách chi tiêu rất cao cho hoạt động du lịch ban ngày.
Bên cạnh đó, việc hoạch định chính sách và xây dựng các khung tiêu chuẩn lại được các khách mời đến từ các tổ chức phi chính phủ và trực thuộc chính phủ tập trung khai thác. Để có thể kiến tạo hiệu quả một hệ thống du lịch tiếp cận và bao gồm bài bản, các bên liên quan, đặc biệt là các nhóm du khách khác nhau, sẽ được mời tham gia vào công tác tham vấn và điều chỉnh chính sách. Bởi vậy, các nền tảng hợp tác, trao đổi thông tin và kết nối giữa các thành phần tham gia du lịch nên được đưa vào sử dụng, vừa để lấy ý kiến tham khảo cho các chính sách, vừa để giáo dục, nâng cao kiến thức về các biện pháp tăng tính tiếp cận của du lịch. Một vấn đề khác được thảo luận xoay quanh sự cấp thiết của việc đưa các yếu tố của du lịch tiếp cận vào khung tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và các bộ luật du lịch. Mặt khác, cần đảm bảo minh bạch trong quá trình khai báo và kiểm kê cách thức thực hiện tại các điểm du lịch, tránh việc các đơn vị này sử dụng những chứng chỉ không rõ ràng về tiêu chí để chống đối sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, với tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia thành viên APEC, các chuyên gia cũng lưu ý việc ban hành những phương pháp quản lý cũng như bộ hướng dẫn cho nhóm người khuyết tật trong du lịch, đảm bảo rằng họ có thể dễ dàng thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh và được chăm sóc y tế phù hợp tại các điểm đến du lịch.
Phát biểu kết thúc chuỗi hội thảo, ông Martin Heng nhận định rằng những biện pháp tăng tính tiếp cận trong du lịch đang dần được lồng ghép và lan tỏa trong cộng đồng các quốc gia khu vực APEC với ngày càng nhiều những điển hình vô cùng sáng giá, tích cực, đáng để học hỏi và rút kinh nghiệm. Ông cũng nhất trí với các đại biểu tham dự rằng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo và sự hợp tác là mấu chốt để giúp cho du lịch tiếp cận ngày càng trở nên phổ biến, đồng đều hơn. Quan trọng nhất vẫn là việc làm thế nào để khiến cho du khách, những người tham gia trải nghiệm và cung ứng dịch vụ du lịch trở thành những người cùng kiến tạo và đồng hành cùng nhau trong hành trình du lịch bền vững, thay vì chỉ là những đại diện của hai cán cân cung – cầu riêng lẻ.
Tại Việt Nam, trong khi chuỗi giá trị du lịch vẫn chưa thực sự cung ứng được nhu cầu của các nhóm thiểu số cũng như chưa có những triển khai quyết liệt để thi hành du lịch tiếp cận, chuỗi hội thảo trên chính là nguồn kiến thức và bài học sâu sắc để chúng ta tiếp thu, xem xét và áp dụng những phương pháp cần thiết cho quá trình phát triển bền vững, đảm bảo rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.
Kiều Trinh