Hội thảo quốc tế trực tuyến “Đảm bảo an toàn cho du khách trong đại dịch – Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19”
Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng 2021 “Nghiên cứu đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi xuất hiện dịch bệnh”, phối hợp với triển khai hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) và Viện Văn hóa Du lịch Hàn Quốc (KCTI), Viện NCPT Du lịch đã phối hợp với KCTI tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến “Đảm bảo an toàn cho du khách trong đại dịch – Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19” vào ngày 22/10/2021. Tham dự hội thảo, đại diện phía Việt Nam gồm có TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch, TS. ĐỗThị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch; đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc Tổng cục Du lịch, các Sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh/thành phố; đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương cùng với các doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo du lịch. Đại diện phía Hàn Quốc tham dự hội thảo có TS. Kim Dae Kwan – Viện trưởng Viện Văn hóa Du lịch Hàn Quốc, cùng với các đại biểu đến từ cơ quan quản lý du lịch Seoul, các doanh nghiệp, trường đại học ở Hàn Quốc.
Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận và có những sáng kiến đề xuất hỗ trợ cho công tác hoàn thiện chính sách, chiến lược, kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch. Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch nhận định:
“Đại dịch COVID-19 diễn ra gần 2 năm qua đã khiến cho ngành du lịch thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Các hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020 gần như đóng băng hoàn toàn, và đến năm 2021, các hoạt động này đã dần khởi động trở lại ở một số quốc gia có sự bao phủ vaccine rộng. Tại Việt Nam, trong năm 2020, theo thống kê đến 90-95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, nhiều công ty lữ hành quốc tế đã chuyển hướng kinh doanh. Các sự kiện xúc tiến, quảng bá trong năm 2020 và 2021 cũng chưa thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra về triển vọng phục hồi và phát triển của ngành du lịch trong và sau đại dịch là hết sức quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải cần có sự chuẩn bị kỹ càng về các phương án triển khai hoạt động du lịch làm sao đảm bảo an toàn, tăng trưởng và phát triển bền vững.”
Với những vấn đề được thảo luận trong hội thảo, hai bên mong rằng những thông tin hữu ích, góp phần cho việc hoàn thiện hơn nữa các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động của ngành du lịch của các quốc gia, đặc biệt là các chính sách, biện pháp giúp khởi động lại hoạt động du lịch theo hướng vừa bảo đảm an toàn vừa thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của du khách sau gần hai năm đình trệ hoạt động du lịch vì dịch bệnh.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, TS. Kim Dae Kwan – Viện trưởng Viện Văn hóa Du lịch Hàn Quốc chia sẻ: “Việt Nam và Hàn Quốc luôn có mối quan hệ giao lưu văn hóa du lịch chặt chẽ. Hai bên có sự hiểu biết rõ về đối phương và ngày càng nỗ lực để phát triển mối quan hệ hợp tác này. Tuy nhiên, COVID-19 bùng phát đã khiến du lịch hai nước rơi vào khó khăn, các hoạt động giao lưu văn hóa du lịch đều bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, hội thảo được tổ chức không chỉ nhằm tìm ra giải pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch trong COVID tìm phương hướng hồi phục du lịch sau đại dịch mà còn để trao đổi về các thành quả, định hướng cho sự hợp tác tương lai, thúc đẩy trao đổi khách giữa hai quốc gia.”
Buổi hội thảo đã lắng nghe 5 bài phát biểu đến từ các chuyên gia hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Mở đầu đề dẫn, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương đã trình bày về vấn đề Nghiên cứu đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi xuất hiện dịch bệnh. Thông qua phân tích tình hình thực tế tại Việt Nam, tham luận đã chỉ ra rằng mặc dù công tác bảo vệ khách du lịch của nước ta trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa xây dựng được bộ hướng dẫn và quy chế an toàn áp dụng được cho ngành du lịch. Tiếp đó, ThS. Han Hee Jeong từ KCTI đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện triển khai du lịch không tiếp xúc tại Hàn Quốc cho khách du lịch, nhấn mạnh việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong du lịch để hạn chế tối đa sự tiếp xúc của du khách và vấn đề về đảm bảo sự toàn diện cho các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người cao tuổi… Cùng với đó, Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cũng đã tham gia đóng góp chia sẻ về tác động của đại dịch COVID-19 với ngành du lịch và kinh nghiệm đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi có dịch bệnh.
Hội thảo tiếp tục với những định hướng về chính sách và kế hoạch phục hồi của hai nước. Đưa ra định hướng chính sách du lịch sau bùng phát COVID-19 tại Hàn Quốc, TS. Kim Huyn Ju (KCTI) đã nêu lên sự quan trọng của 3 trụ cột: (1) Đổi mới dựa Khoa học kỹ thuật; (2) Phát triển bền vững; (3) Phát triển toàn diện. Cuối cùng, ThS. Hoàng Thu Huyền, đại diện Tổng cục Du lịch trình bày Kế hoạch phục hồi của du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19 theo các cấp độ dịch bệnh.
Kết thúc hội thảo, TS. Kim Dae Kwan đã bày tỏ sự nhất trí trước những giải pháp và kết quả đề ra trong những bài tham thuận và phiên thảo luận trong khuôn khổ của buổi hội thảo. Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới phía Viện Văn hóa Du lịch Hàn Quốc đã cùng tham gia tổ chức và chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức quý báu. Ông nhấn mạnh những giải pháp trên là vô cùng cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức, vận hành và quản lý du lịch tại cơ sở của mình một cách hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam triển khai thực hiện thí điểm những giải pháp hỗ trợ phục hồi ngành du lịch và tiến tới mở rộng áp dụng cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Buổi hội đã diễn ra thành công tốt đẹp trong tinh thần lắng nghe, chia sẻ, học hỏi và thảo luận một cách cởi mở, chân thành. Đây sẽ là bước đánh dấu tiếp theo về quan hệ hợp tác giữa 2 viện nghiên cứu du lịch, đồng thời cũng là nền tảng để xây dựng mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực du lịch giữa 2 quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc.
Minh Đức – Kiều Trinh