Một góc nhìn lịch sử về vai trò của người Phụ nữ Việt Nam
“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Đó là những lời mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong thư gửi người phụ nữ Việt Nam ngày 8/3/1952, nhân kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhìn lại lịch sử dân tộc, có thể khẳng định, người phụ nữ luôn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước ta, đã và đang để lại những dấu ấn đậm nét trong trang sử nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam và 91 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hãy cùng nhìn lại vai trò của người phụ nữ qua các thời kỳ để hiểu và yêu thêm những con người “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, theo như 8 chữ vàng cao quý Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt.
Vị trí người phụ nữ Việt Nam trong xã hội truyền thống
Giáo sư Trần Quốc Vượng từng khẳng định: “Xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp: đó là vai trò quan trọng của người đàn bà, người mẹ, trong gia đình, ngoài xã hội”. Khác với nhiều xã hội cổ xưa, Việt Nam, khi chuyển dịch từ xã hội nguyên thủy theo chế độ mẫu hệ sang xã hội có giai cấp theo chế độ phụ hệ, người phụ nữ vẫn giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt xã hội. Trong gia đình, họ là người mẹ, người vợ, có nhiệm vụ điều khiển hầu hết công việc trong nhà. Ngoài xã hội, họ là lực lượng lao động nòng cốt đã góp phần xây dựng nên nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Không chỉ có vai trò xây dựng nên xã hội, trong lịch sử, không ít lần người phụ nữ đã hi sinh cả xương máu của mình trước sự tồn vong dân tộc. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân,… đã trở thành tiêu biểu cho tấm gương người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ dân tộc, được nhân dân tôn vinh cho đến mãi về sau.
Bên cạnh đời sống vật chất, cũng cần phải nhìn nhận vai trò của hình ảnh người phụ nữ trong thế giới tinh thần. Ở nước ta, tục thờ nữ thần đã có từ lâu đời. Những hình tượng Mẹ Âu Cơ, các Thánh Mẫu Tam Phủ, Thánh Mẫu Tứ Phủ hay mẹ Lúa đã ảnh hưởng sâu đậm tới tâm thức và đời sống tâm linh người Việt.
Trong một nền văn hóa nông nghiệp trọng gia đình, trọng nếp nhà, người phụ nữ Việt thực sự nắm giữ vai trò hết sức quan trọng trong xã hội. Đó cũng là lý do trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc, dẫu Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ các nền văn hóa nam quyền, đặc biệt là Trung Quốc, truyền thống tôn trọng phụ nữ vẫn luôn được ông cha ta giữ gìn, trở thành một bản sắc văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta.
Người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hiện đại
Tháng 10/1930, trong khuôn khổ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó nhận định: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu” đối với “thắng lợi cách mạng”. Trên cơ sở đó, ngày 20/10/1930, với mục đích “mưu quyền cho phụ nữ, làm cho phụ nữ triệt để giải phóng”, Phụ nữ Liên hiệp hội Đông Dương đã được thành lập. Kể từ đó đến năm 1945, hàng loạt các tổ chức, đoàn thể phụ nữ đã được thành lập trên khắp cả nước, giữ nhiều vai trò quan trọng trong công cuộc đi đến thắng lợi lịch sử 2/9/1945, mở ra một thời kỳ độc lập cho nước nhà.
Ngày 3/10/1946, trên cơ sở các tổ chức, đoàn thể phụ nữ được thành lập trước đây, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ra đời. Kể từ đó, Hội đã trở thành tổ chức tối cao lãnh đạo phong trào phụ nữ trên toàn quốc. Dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ, phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập nước nhà. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, họ đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cả công tác trên tiền tuyến lẫn hậu phương. Bất kể là trên mặt trận mịt mù bom đạn khói lửa, hay trên những cánh đồng 5 tấn, không nơi nào là thiếu bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam. Những hình tượng “Đội quân tóc dài”, “Chị Hai năm tấn”, các nữ thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc cùng rất nhiều tấm gương khác chắc chắn sẽ mãi mãi được lưu danh trong trang sử nước nhà.
Sau ngày 30/4/1975, nước ta bước vào kỷ nguyên của hòa bình và thống nhất. Nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra lúc này là xây dựng đất nước phồn vinh, vững mạnh. Bước vào công cuộc phát triển đất nước, người phụ nữ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tích cực lao động hăng say, đưa đến những chuyển biến mạnh mẽ cho đất nước. Hiện nay, trong bối cảnh đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đi kèm với quốc tế hóa ngày hôm nay, nhiều người phụ nữ Việt đang đóng vai trò tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Trong đó có nhiều cái tên nổi bật hoạt động trong ngành Du lịch Việt Nam.
Lời kết
Nhìn từ lịch sử dân tộc, có thể khẳng định người phụ nữ Việt Nam xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp to lớn của họ cho sự phồn vinh của nước nhà. Bởi vậy, đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ là một trong những việc làm hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có những tác động tiêu cực đến với đời sống của phụ nữ, việc xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ họ lại càng cần thiết. Song song với đó, cần thực hiện những biện pháp khen thưởng đối với những nữ cá nhân xông pha đứng ở tuyến đầu chống dịch.
Đối với riêng ngành du lịch, việc thực hiện các chính sách bảo vệ lao động nữ trong bối cảnh hiện nay là có vai trò hết sức thiết yếu trong quá trình đảm bảo sự phục hồi và phát triển du lịch một cách bền vững. Bởi nhìn từ những tấm gương phụ nữ kể trên, có thể đi tới nhận định, nếu thiếu đi lực lượng lao động nữ, ngành du lịch sẽ thiếu đi nguồn sức mạnh cần thiết để tái khởi động có hiệu quả.
Minh Đức