Hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam”
Ngày 06/10/2021, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam”. Hội thảo nhằm trao đổi tiềm năng, hiện trạng phát triển, nhận định những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam phù hợp với xu hướng mới hiện nay.
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, chủ trì Hội thảo; TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Viện NCPTDL) đồng chủ trì; TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng, Viện NCPTDL; TS. Vũ Nam – Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch; GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Đính – Nguyên Hiệu trưởng, Trường Đại học Hà Tĩnh. Tham dự ở các đầu cầu trực tuyến còn có đại diện Lãnh đạo vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Lãnh đạo Vụ Lữ hành, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Khách sạn và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế; Hội Đông y Việt Nam; Giám đốc 03 Sở VHTTDL, Sở Du lịch: Thừa Thiên Huế, Nha Trang, Hà Giang; đại diện Lãnh đạo sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Gia Lai, Tiền Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An; đại diện TTXTDL Đà Nẵng, TTXTDL Phú Thọ, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD); đại diện phòng VHTT các huyện Cô Tô – Quảng Ninh, huyện Thanh Thủy – Phú Thọ; đại diện Ban Quản lý các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà – Hải Phòng. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch cùng các nghiên cứu viên của Viện NCPTDL, các phóng viên báo chí cùng dự và đưa tin.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, hoạt động du lịch gắn với mục đích duy trì và tăng cường sức khỏe đang ngày càng được quan tâm, có xu hướng trên toàn cầu với các điểm đến là các vùng có khí hậu lý tưởng, môi trường trong lành, hội tụ cùng các giá trị tài nguyên mang đến cho du khách những sự trải nghiệm sâu sắc về thể chất, cảm xúc, tinh thần và trí tuệ. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống cùng với sự xuất hiện ngày một nhiều các loại dịch bệnh khiến con người trở nên chủ động hơn trong việc tự bảo vệ sức khỏe, nhu cầu giải tỏa căng thẳng, duy trì và tăng cường sức khỏe ngày một gia tăng do đó thị trường chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển và đi cùng đó là sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe.
Theo Phó Tổng cục trưởng, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe với hệ thống địa hình đa dạng, có cả đồi núi, đồng bằng, đặc biệt có vị trí địa lý chiến lược thuận lợi về biển – đảo, có nhiều điểm suối khoáng nóng, bùn nóng trải dài trên cả nước. Vùng khí hậu núi cao nổi tiếng có Tam Đảo, Mẫu Sơn, Sapa, Đà Lạt, bãi biển đẹp nổi bật như Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Phú Quốc. Ngoài ra nước ta còn có những khu vực suối khoáng nóng như tại Hòa Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ, Nha Trang, Vũng Tàu. Đây là những tài nguyên vô cùng quý giá, là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe góp phần phong phú thêm các sản phẩm du lịch cung cấp cho khách du lịch trong nước và quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú chi tiêu của khách du lịch và trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu được quan tâm phát triển ở Việt nam. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam vẫn chỉ mới ở giai đoạn đầu, các sản phẩm còn ít, chưa thực sự đặc sắc. Một trong những nguyên nhân, rào cản hiện nay Việt Nam chưa phát triển được loại hình du lịch này là chúng ta chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng và các yếu tố cần thiết cho phát triển, cũng như những định hướng, chính sách cụ thể cho việc phát triển du lịch Chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, thông qua hội thảo “Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam” Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương mong muốn các đại biểu tham dự đưa ra được nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, nhận diện và đánh giá đầy đủ hơn về tiềm năng, các điều kiện cần thiết cũng như những vấn đề mà thực tế đã, đang và sẽ đặt ra cho phát triển loại hình du lịch này ở Việt Nam, để đáp ứng ngày càng tốt hơn xu hướng của thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên du lịch.
Trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện NCPTDL nhấn mạnh, du lịch chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện từ lâu, trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, du lịch chăm sóc sức khỏe đã có bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đối với rào cản khiến du lịch chăm sóc sức khỏe chưa phát triển, Phó Viện trưởng đồng tình với quan điểm của các tham luận gửi về Ban tổ chức, và cần sự nghiên cứu và đưa ra được chính sách về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, trong đó cần chú trọng phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch này, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về du lịch chăm sóc sức khỏe để hoàn thiện kỹ năng, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách du lịch. Bên cạnh đó, việc học tập kinh nghiệm các nước có loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe phát triển ứng dụng hiệu quả ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, qua đó từng bước hoàn thiện, nâng cấp những dịch vụ đáp ứng yêu cầu về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, dần khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.
Hội thảo tiếp tục với phần trình bày tham luận của các diễn giả, nhiều ý kiến đưa ra từ các đầu cầu, phần lớn các đại biểu cho rằng du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đang từng bước phát triển, đã đạt được những thành công nhất định. Theo GS. TS. Nguyễn Văn Đính thông tin: “Năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh và mang lại cho nước ta khoảng 2 tỉ USD, trong khi đó chúng ta chưa quan tâm đến thị trường khách trong nước, hàng năm, có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài du lịch với mục đích chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe với mức chi tiêu hơn 1 tỉ USD”. Giáo sư Đính nhấn mạnh, việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở nước ta đang phát triển với quy mô vừa và nhỏ, cơ sở vật chất cơ bản, việc vận hành hoạt động loại hình du lịch này đang còn nhiều bất cập, vấn đề về sử dụng tài nguyên, về cơ chế, chính sách, về sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, doanh nghiệp, người làm du lịch chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là lĩnh vực du lịch với lĩnh vực y tế trong việc phối hợp để phát triển, đưa các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về Đông Y, Y dược cổ truyền vào tham gia cung ứng đến du khách có nhu cầu còn hạn chế… cũng về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trọng Quỳnh, đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, hiện nay Việt Nam có thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con làm thuốc góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền của Việt Nam và đây cũng là một trong những thế mạnh để xây dựng các sản phẩm từ y dược cổ truyền mang lại giá trị lớn cho sức khỏe góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là đối với du lịch chăm sóc sức khỏe. Thông qua hội thảo ông cũng mong muốn trong thời gian tới có sự kết nối chặt chẽ giữa hai lĩnh vực du lịch và y tế để lồng ghép cùng phát triển, đặc biệt là đưa các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ y học cổ truyền bấy lâu nay là thế mạnh của chúng ta nhưng chưa khai thác có hiệu quả, chưa có thương hiệu trên thương trường, ông lấy ví dụ về những bài thuốc ngâm chân, tắm thuốc cổ truyền được bài chế từ thảo mộc của bà con dân tộc Dao đỏ… rất hiệu quả mà đến nay dường như bị bỏ quên.
Cũng tại hội thảo, để gợi ý cho phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, theo TS. Vũ Nam – Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường Du lịch đề xuất một số giải pháp như: cần xây dựng quy hoạch phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, hiện nay nước ta có rất nhiều tài nguyên tự nhiên để phát triển loại hình du lịch này, nhưng nhiều tài nguyên có thể ở trong phạm vi vườn quốc gia, khu bảo tồn, vùng sâu, vùng xa… khả năng tiếp cận tài nguyên còn bất cập nên việc khai thác, tạo sản phẩm du lịch mới đang còn hạn chế; cần xác định sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam; cần kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp truyền thống là thế mạnh của Việt nam; cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; cần xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cho các điểm du lịch suối khoáng nóng. Cùng với những đề xuất trên, theo TS. Vũ Nam chúng ta vừa phát huy những giá trị tiềm năng du lịch sẵn có, bên cạnh đó cần dựa vào những bài học kinh nghiệm từ phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe của những quốc gia đi trước, đặc biệt là Nhật Bản để mang lại hiệu quả cao nhất.
Với đầu cầu địa phương, theo ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế chia sẽ, TT-Huế cũng là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt đối với du lịch chăm sóc sức khỏe thì ẩm thực Huế lại có thể lợi thế, nếu có sự nghiên cứu nghiêm túc, kết hợp tốt, dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe này rất được yêu chuộng đối với Huế trong tương lai. Và mong muốn ngành du lịch sớm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, định hướng cụ thể các dịch vụ và sản phẩm để địa phương sớm áp dụng và đưa vào khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đầy tiềm năng này.
Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPTDL chân thành cảm ơn các đại biểu tham dự hội thảo. Tại hội thảo có rất nhiều ý kiến được nêu ra, đánh giá được tiềm năng, lợi thế du lịch chăm sóc sức khỏe, đã làm rõ tiêu chí nhận dạng, phân biệt du lịch chăm sóc sức khỏe với các loại hình du lịch khác, các điều kiện thiết yếu để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã nêu ra những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức trong việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các sáng kiến, khuyến nghị phù hợp để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế mới hiện nay. Thông qua hội thảo, hy vọng trong thời gian tới để phát triển hơn nữa loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, ngoài việc đưa ra được các cơ chế, chính sách, tiêu chí phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, cần sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành liên quan, đặc biệt là giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Y tế trong việc lồng ghép phát triển các sản phẩm, dịch vụ từ Y Dược cổ truyền, Đông Y là một trong những thế mạnh của nước ta./.
Trần Cường