Hội thảo giải pháp thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến việt nam trong bối cảnh mới
Ngày 08/10/2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức hội thảo trực tuyến “Giải pháp thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam trong bối cảnh mới”, đây là hoạt động thuộc khuôn khổ nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2021 của Viện về “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Ban Nha và giải pháp thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam”.
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), về phía Tổng cục Du lịch có đại diện các Vụ chức năng và các đơn vị sự nghiệp; đại diện Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an), Văn phòng Quốc hội, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam. Ngoài ra, hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia Việt Nam và Tây Ban Nha, các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí cùng các nghiên cứu viên của Viện NCPT Du lịch.
Mở đầu, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết những năm gần đây, người dân Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài rất nhiều với trên 20 triệu người, chiếm một nửa dân số nước này. Tuy nhiên, lượng khách Tây Ban Nha đi du lịch Việt Nam còn khiêm tốn, chưa được như mong muốn dù đã có gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể là từ năm 2016 – 2019, lượng khách Tây Ban Nha đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 – 80.000 lượt. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng du lịch cũng như nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của du khách quốc tế, trong đó có khách Tây Ban Nha. Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại Tây Ban Nha cũng đã được kiểm soát, người dân được tạo thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập cảnh. Do đó, Tây Ban Nha vẫn sẽ là thị trường đích, thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam trong thời gian tới..
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch Du lịch – chủ trì nhiệm vụ đã trình bày tóm lược kết quả nghiên cứu với những nội dung chính: (1) Hiện trạng khách du lịch Tây Ban Nha, (2) Tác động của Covid 19 đến thị trường khách du lịch Tây Ban Nha, (3) Kinh nghiệm quốc tế đôi với thu hút khách du lịch Tây Ban Nha, (4) Giải pháp thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam.
Trong phần báo cáo chi tiết, ông Vinh cho biết, những năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam thu hút được trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), cao nhất từ trước đến nay và với đà tăng trưởng cao ngoạn mục trong 5 năm liên tiếp, ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,8 triệu lượt, giảm 80%, khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với năm trước, tổng thu du lịch cũng giảm 58% (mức giảm tương đương 19 tỷ USD).
Bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh ấy, ngành du lịch Việt Nam đang cùng chung tay hành động với sự đồng lòng vào cuộc của cả doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý để cơ cấu lại nguồn khách, cơ cấu lại sản phẩm du lịch phù hợp để đón nhận cơ hội mới.
Những đổi mới, sáng tạo trong cách làm du lịch thời Covid-19 sẽ là nền tảng tạo đà để du lịch Việt Nam mau chóng phục hồi và đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc… ngành du lịch phải chủ động nghiên cứu, xúc tiến và đẩy mạnh khai thác những thị trường quan trọng, giàu tiềm năng khác. Trong đó, khách du lịch Tây Ban Nha thuộc khu vực châu Âu, là một trong những thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, có tốc độ tăng trưởng cao của du lịch Việt Nam nhưng số khách thu hút được chưa nhiều.
Cụ thể, năm 2013, khách Tây Ban Nha đến Việt Nam đạt 33.183 lượt, năm 2019 đạt 83.597 lượt, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2013-2019 là 17%/năm. So với con số xấp xỉ 23 triệu khách Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài năm 2019 thì số khách Tây Ban Nha đến Việt Nam chiếm chưa đến 0,5%. Kể từ năm 2018, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực trong vòng 15 ngày cho khách du lịch đến từ một số nước Tây Âu, trong đó có Tây Ban Nha. Tháng 10/2018, Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), tham gia hội chợ du lịch quốc tế FITUR 2020, qua đó đã góp phần tích cực trong việc thu hút và mở rộng thị trường khách nói tiếng Tây Ban Nha đến với du lịch Việt Nam và góp phần tiếp tục đẩy mạnh thị trường này sau tăng trưởng giai đoạn 2015-2019.
Tuy nhiên để có thể thu hút được thị trường khách tiềm năng như Tây Ban Nha, cần phải có nghiên cứu đầy đủ về phân khúc thị trường này để hiểu rõ hơn về nhu cầu, thị hiếu, mục đích chuyến đi, hình thức tham quan, mong muốn khám phá, trải nghiệm, mức chi tiêu, độ tuổi hay các xu hướng về tiêu dùng trong du lịch… Đặc biệt là những thay đổi trong xu hướng đi du lịch của khách Tây Ban Nha sau đại dịch Covid 19 để từ đó có thể đề xuất một số giải pháp tăng cường và thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam có hiệu quả.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy, Tây Ban Nha có dân số gần 48 triệu người, GDP bình quân đầu người 27.000 USD, ngành du lịch và dịch vụ đóng góp 70,9% GDP của nước này. Hàng năm, Tây Ban Nha thu hút hơn 80 triệu du khách quốc tế, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Pháp và có gần 23 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài (năm 2019). Đây là một thị trường nguồn đầy tiềm năng mà quốc gia nào cũng mong muốn thu hút.
Giai đoạn 2008 – 2019, số lượng khách du lịch Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài khá lớn, dao động trong khoảng 13-23 triệu lượt, chiếm khoảng 48% dân số nước này.
Số lượng khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam tăng liên tục từ năm 2011-2019, từ 30.000 lượt năm 2011 tăng lên 83.597 lượt khách năm 2019. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Tây Ban Nha.
Khách Tây Ban Nha thường đi du lịch theo đoàn vào mùa hè, độ dài chuyến đi đến những điểm đến xa thường kéo tới hơn 2 tuần. Du lịch văn hóa, tham quan bảo tàng, trải nghiệm văn hóa bản địa, mua sắm, nghỉ dưỡng là mục đích chủ yếu của khách du lịch Tây Ban Nha. Đa số người Tây Ban Nha đều lên kế hoạch du lịch từ rất sớm cho chuyến đi dài ngày và thường đặt tour du lịch online và đi du lịch theo chủ đề như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng… Bên cạnh đó, yếu tố ẩm thực ngày càng trở nên quan trọng và được chi tiêu nhiều trong hành trình trải nghiệm của họ.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu nêu, theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, chi tiêu bình quân 1 khách Tây Ban Nha đến Việt Nam là 1.477,33 USD, trong đó khách tiêu trong tour 838,43 USD, tiêu ngoài tour 918,85 USD. Trong đó chi thuê phòng chiếm 33,38%, chi ăn uống 23,27%, đi lại 18,18%, tham quan 6,21%, mua hàng 10,10%, văn hóa thể thao 6,17%, y tế 0,55% và 2,14% là chi cho các khoản mục khác.
Khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam khá đồng đều theo các nhóm lứa tuổi, nhóm 40 đến 60 tuổi chiếm tỷ lệ 36% và nhóm trên 60 tuổi có tỷ lệ tương đương là 36%. Nhóm 20 đến 40 tuổi có tỷ lệ thấp hơn nhưng cũng chiếm khoảng 28%. Khách Tây Ban Nha đến Việt Nam lần đầu có tỷ lệ 83,87%, lần thứ hai 9,67%; lần thứ ba 3,23% và đến trên 3 lần là 3,23%.
Sau phần trình bày của nhóm nghiên cứu, Hội thảo được nghe nhiều tham luận và phát biểu đóng góp ý kiến, trong đó nổi bật có:
Đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ, PGS. TS. Phạm Hồng Long đã trình bày bài tham luận về “Những vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực trong phục vụ thị trường khách du lịch Tây Ban Nha”
TS Nguyễn Đức Thắng, Viện trưởng Viện Du lịch, Đại học Kinh Bắc trình bày tham luận với chủ đề “Những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm du lịch cho khách Tây Ban Nha trong bối cảnh mới”
ThS. Nguyễn Văn Gia – Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Nhu cầu và những yêu cầu cần thiết phát triển hướng dẫn viên du lịch phục vụ thị trường khách du lịch Tây Ban Nha”
Bên cạnh đó, hội thảo còn được nghe nhiều ý kiến đóng góp trong phần thảo luận của các đại biểu như: ông Võ Quốc Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL; Ông Ruben Sourni, chuyên gia về du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái người Tây Ban Nha, Ông Alfonso Echavarria, chuyên gia về du lịch inbound (người Tây Ban Nha),…
Kết thúc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đây sẽ là những thông tin tham khảo quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo trước khi nghiệm thu./.
Văn Dương