Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo quốc tế trực tuyến về Vai trò của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong quản lý du lịch tại các di sản: Kinh nghiệm Tràng An

    Nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo về phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng trong năm 2021, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Văn phòng Chính phủ Colombia phối hợp tổ chức, Hội thảo quốc tế trực tuyến về “Vai trò của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong quản lý du lịch tại các di sản: kinh nghiệm Tràng An” do Tổng cục Du lịch tổ chức đã diễn ra vào sáng ngày 8/10/2021, trên nền tảng Zoom. TS. Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chủ trì hội thảo. Các đại biểu phía Việt Nam tham dự gồm có đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch, Lãnh đạo các Vụ, Viện trực thuộc, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cùng với đại diện của các cơ quan quản lý và tổ chức có liên quan. Đại diện phía Colombia tham dự hội thảo có Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác Quốc tế (APC) cùng đại diện các phòng thương mại, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực quản lý điểm đến và di sản.

    TS. Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu khai mạc hội thảo

    Hội thảo đã diễn ra với những bài trình bày và thảo luận sôi nổi xoay quanh việc quản lý di sản trong du lịch, đặc biệt là với trường hợp của Quần thể danh thắng Tràng An. Tràng An vinh dự được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2014, đồng thời cũng là di sản hỗn hợp đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đây cũng là điểm đến nằm trong top 15 điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Chính bởi vị trí quan trọng của Tràng An trong cả hai lĩnh vực du lịch và văn hóa, việc bảo tồn cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của điểm đến này hết sức cần thiết.
    Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Hoàng Diệu Thúy, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đã nhận định hoạt động du lịch ở Tràng An đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều đó cũng đã đặt ra nhiều thách thức lớn về quản lý hoạt động du lịch đại chúng, giảm thiểu các tác động xấu của du lịch tới cảnh quan, văn hóa của địa điểm và cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng như quá trình chuyển đổi số cũng đang có những tác động mạnh mẽ tới các di sản, trong đó có Tràng An. Với mục đích gìn giữ tính hấp dẫn và chân thực của điểm đến, cũng như tạo đà phát triển gắn với lợi ích của địa phương, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã đề xuất hai giải pháp “Gắn văn hóa với mô hình phát triển phù hợp, đảm bảo hợp tác tốt giữa các bên liên quan” và “Tận dụng tối đa sức mạnh của khoa học công nghệ”. Qua đó, sự phát triển của Tràng An có thể đáp ứng được yêu cầu về bền vững – yếu tố trung tâm của phát triển du lịch trong thời điểm hiện nay.
    Tiếp nối những phát biểu của bà Hoàng Diệu Thúy, ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đã trình bày về tình hình gìn giữ và bảo tồn di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Ninh Bình đã xác định, Tràng An chính là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh. Nhằm cân bằng giữa hai mục tiêu tối đa hóa tiềm năng du lịch, cũng như bảo tồn những giá trị của Tràng An, Sở Du lịch đã thực hiện ban hành nhiều chính sách phù hợp; tăng cường nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân địa phương; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, quảng bá điểm đến và phát triển các trải nghiệm du lịch gắn với những giá trị của di sản Tràng An. Đặc biệt, để ứng phó với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Sở du lịch tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch Tràng An thông qua 5 trụ cột: “Xây dựng chính sách và các gói hỗ trợ”, “Sử dụng có hiệu quả và bền vững giá trị của di sản”, “Truyền thông và quảng bá có hiệu quả”, “Đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine” và “Đảm bảo an toàn cho điểm đến”. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp Tràng An khôi phục các hoạt động du lịch một cách bền vững và có hiệu quả, đồng thời giữ gìn được các giá trị thiên nhiên, văn hóa của di sản quan trọng này.

    Sở Du lịch Ninh Bình trình bày tham luận về phục hồi và phát triển Quần thể danh thắng Tràng An sau đại dịch

    Tại phiên thảo luận của hội thảo, đại diện của Việt Nam và Colombia đã bàn bạc về các vấn đề liên quan tới quản lý di sản Tràng An, cũng như kinh nghiệm của hai nước về quản lý các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa. Tham gia thảo luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện phát triển Du lịch đã trình bày về mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, cũng như định hướng tập trung vào tối ưu hóa nguồn tài nguyên địa phương và đảm bảo sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch bền vững. Các đại diện bên phía Colombia cũng đã chia sẻ nhiều bài học có giá trị liên quan tới phát triển du lịch nông thôn, sử dụng văn hóa và du lịch làm đòn bẩy thúc đẩy tình hình kinh tế xã hội của cộng đồng. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao những kinh nghiệm của phía Colombia và tin rằng việc ứng dụng những bài học này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển của du lịch Việt Nam.

     

    Bà Myriam Escallón – Phó giám đốc phụ trách hợp tác châu Á – Cơ quan hợp tác phủ Tổng thống Colombia
    phát biểu tại hội thảo

    Phát biểu tại hội thảo, bà Myriam Escallón – Phó giám đốc phụ trách hợp tác khu vực Châu Á – Cơ quan hợp tác phủ Tổng thống Colombia và TS. Hà Văn Siêu bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu đạt được và tin rằng những kinh nghiệm quý báu rút ra trong hội thảo sẽ mở ra nhiều hướng phát triển mới cho các di sản cũng như các mô hình du lịch văn hóa và nông thôn. Đại diện hai nước cũng mong muốn có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp trong tương lai. Thành công của hội thảo chính là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam – Colombia.

    Minh Đức

    Bài cùng chuyên mục