Đề tài NCKH cấp cơ sở năm 2013: “Phân tích thị trường khách du lịch Phượt”
1. Sự cần thiết
Du lịch nội địa trong thời gian gần đây đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và doanh thu, đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế du lịch của cả nước. Năm 2001 mới có 11,7 triệu lượt khách đến năm 2005 đã đạt 16 triệu lượt khách và năm 2012 đã đánh dấu mốc 32 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng đạt 10,4% cho giai đoạn 2005 – 2012. Doanh thu 2001 là 20,5 nghìn tỷ đến năm 2005 đạt 30 nghìn tỷ, năm 2010 là 98,1 nghìn tỷ.
Cùng với quá trình phát triển, một số loại hình du lịch mới xuất hiện bên cạnh các loại hình truyền thống. Cũng từ một xu hướng phát triển một phân đoạn thị trường ngách đã nổi lên như một trào lưu mang tính lan tỏa nhanh chóng – “ du lịch Phượt”, thu hút đa dạng các thị trường khách từ thanh niên là sinh viên, học sinh đến trung niên là cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp khác nhau tham gia.
“ Du lịch Phượt” phổ biến trên thế giới từ vài chục năm nay, trong tiếng Anh với khái niệm được dùng là backpacking. Đến nay, thị trường này là một phân đoạn quan trọng trên thế giới. Phân đoạn thị trường du lịch này có những đặc điểm khác biệt so với thị trường truyền thống đặc biệt trong không gian hoạt động, tần suất du lịch và nhu cầu trải nghiệm du lịch. Du lịch Phượt đã trở thành hiện tượng, trào lưu thu hút ngày càng đông khách du lịch thế giới. Tại Việt Nam phân đoạn thị trường khách quốc tế này thường được gọi dưới tên dân dã là “Tây ba lô” hoặc “du lịch bụi”. Với khách nội địa, thị trường này được nhận diện dưới tên gọi là “Du lịch Phượt”.
Thực tiễn phát triển của thị trường khách du lịch nội địa mới nổi này cho thấy ngoài việc đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng lượng khách du lịch nội địa, đã góp phần phát triển tình yêu quê hương, đất nước qua việc khám phá các vùng miền, tìm hiểu và chia sẻ với các cộng đồng; bên cạnh đó việc phát triển này cũng rất phù hợp với xu thế chung trên thế giới là phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch theo sở thích cá nhân.
Tuy vậy, những nơi khách du lịch này đi qua, không phải du khách nào cũng có ý thức về việc ảnh hưởng của những hoạt động của họ đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội bản địa. Những địa bàn du lịch khách lui tới chưa đủ điều kiện phát triển du lịch, ẩn chứa nhiều nguy cơ về rủi ro hoặc tai nạn không cần thiết.
Cho đến nay chưa có bất kỳ một nghiên cứu cụ thể nào về thị trường này. Phân đoạn thị trường này có xu thế mới nổi lên và có đặc điểm thực hiện du lịch tự do, do đó có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực với hoạt động đu lịch địa phương
Chính vì vậy, nhận biết được xu hướng du lịch đang lan tỏa rất nhanh này để nghiên cứu sâu hơn về thị trường du lịch nội địa này là việc làm cần thiết đáp ứng các nhu cầu cho cơ quan quản lý về du lịch và tham khảo cho doanh nghiệp địa phương để có các giải pháp định hướng cho thị trường cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp.
3. Mục tiêu
– Đưa ra đặc điểm của thị trường khách du lịch Phượt là người Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Nội dung
– Nghiên cứu các khái niệm về phân tích thị trường và du lịch Phượt trong và ngoài nước
– Thực trạng thị trường khách du lịch Phượt và vai trò của khách du lịch này trong phát triển du lịch Việt Nam
– Đánh giá xu hướng thị trường khách du lich Phượt
– Tìm hiểu sở thích, nhu cầu đối với sản phẩm du lịch, đặc điểm của thị trường khách du lich Phượt
– Một số khuyến nghị về phát triển thị trường khách du lịch Phượt
5. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp thu thập tài liệu: thu thập các tài liệu trong và ngoài nước về cơ sở lý luận và thực tiễn về du lịch phượt
– Phương pháp tổng hợp, phân tích dữ liệu: trên cơ sở tài liệu thu thập được, tổng hợp, phân tích các dữ liệu quan trọng có thể sử dụng trong nghiên cứu của đề tài.
– Phương pháp điều tra xã hội học: điều tra phỏng vấn khách du lịch phượt và khách tiềm năng để tìm hiểu đặc điểm, nhu cầu thị trường, trên cở sở đó đưa ra được những nhận định, đánh giá về thực trạng thị trường này. Cụ thể:
+ Thực hiện điều tra thị trường trực tiếp sử dụng bảng hỏi: 70 mẫu
+Thực hiện điều tra thị trường trực tuyến thông qua phần mềm:
https://docs.google.com/forms/d/1BzlxxDtvkM1SzRzT0Xstrm_0m9b2qyz9ETyu0vHR8VA/viewform sử dụng bảng hỏi: 40 mẫu
+ Thực hiện phỏng vấn trực tiếp chuyên sâu: 10 cuộc
+ Thực hiện khảo sát ý kiến chuyên gia: 10 ý kiến theo các diễn đàn, forum về du lịch
6. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: Trong khuôn khổ của đề tài tập trung nghiên cứu thị trường khách du lịch Phượt nội địa.
– Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu chủ yếu khách du lịch đi Phượt trong nước.
Toàn văn Báo cáo tổng hợp đề tài: