Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Chương trình khảo sát xây dựng và phát triển tour, tuyến du lịch 6 tỉnh Việt Bắc gắn với thủ đô Hà Nội

         Trong khuôn khổ chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ V – Lạng Sơn 2013, chương trình khảo sát phát triển tour, tuyến du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc diễn đã được tổ chức từ ngày 13 – 19/10/2013 với sự tham gia của đại diện các đơn vị của Tổng cục Du lịch: Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Tạp chí du lịch, Vụ Thị trường cũng như lãnh đạo các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ phận liên quan của 6 tỉnh, các công ty lữ hành trong 6 tỉnh, thành phố Hà Nội và Bắc Giang. Cùng đi với đoàn còn có các hãng truyền thông, phóng viên các báo trung ương và địa phương. Trong thời gian 7 ngày, đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát tại các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
         Đây là lần đầu tiên chương trình này được tổ chức với mục đích phát triển, liên kết tour, tuyến du lịch trong 6 tỉnh Việt Bắc đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời thông qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến, quảng bá những hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc, thúc đẩy chương trình liên kết phát triển du lịch giữa 6 tỉnh, qua đó tạo dựng thương hiệu du lịch riêng cho khu vực, gắn với thị trường nguồn là thủ đô Hà Nội.
         Đoàn đã tiến hành khảo sát Vườn Quốc gia Ba Bể, hang Hua Mạ (Bắc Kạn); Khu di tích Quốc gia hang Pác Bó, lăng mộ anh Kim Đồng (Cao Bằng); Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, điểm du lịch Quản Bạ, khu phố cổ Đồng Văn (Hà Giang); An toàn khu Tân Trào (Tuyên Quang); An toàn khu Định Hoá, Hồ Núi Cốc, bảo tàng chè (Thái Nguyên); Khu du lịch Mẫu Sơn và một số điểm du lịch trong tỉnh Lạng Sơn. Kết quả khảo sát tại chương trình này là căn cứ để xây dựng những tour, tuyến điểm du lịch đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng trong vùng để có những sản phẩm đặc trưng cho vùng nhằm quảng bá các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch độc đáo của các tỉnh nằm trong khu vực Việt Bắc tới những doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành ở Hà Nội nói riêng và trên khắp mọi miền đất nước nói chung, qua đó sẽ góp phần phát triển du lịch  các tỉnh vùng Việt Bắc trong thời gian tới. đây cũng chính là một trong những hướng phát triển du lịch một cách bền vững – liên kết vùng du lịch Việt Bắc. Việc xây dựng sản phẩm du lịch liên kết các tài nguyên du lịch độc đáo của các tỉnh trong khu vực góp phần đa dạng hóa cũng như tạo dựng thương hiệu cho du lịch các tỉnh. Để tiếp tục triển khai các kết quả khảo sát, lãnh đạo 6 Sở văn hóa thể thao Du lịch khu vực Việt Bắc cần tiếp tục liên kết, bàn thảo định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho vùng một cách rõ ràng và có tính ưu tiên để có ngay căn cứ triển khai thực hiện.

         Đúc kết các kết quả khảo sát 6 tỉnh vùng Đông Bắc, đoàn khảo sát của Hà Nội cũng đã đưa ra được những sản phẩm tiêu biểu mà 6 tỉnh có thể sử dụng để xây dựng sản phẩm tour, tuyến cho vùng, cụ thể:
         (1). Du lịch về thăm các di tích lịch sử cách mạng gắn với Bác Hồ hoặc bác Võ Nguyên Giáp như khu ATK Tân Trào – Tuyên Quang, khu ATK Định Hóa – Thái Nguyên, khu du lịch Hang Pác Pó – Cao Bằng…Vào những dịp nghỉ lễ, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, quốc khánh 2/9…, các cuộc hành trình “về nguồn” sẽ là sự lựa chọn của nhiều tổ chức, đoàn thể và du khác trên cả nước.

    Lán Nà Lừa
    Di tích Lán Nà Lừa ở Tuyên Quang

         (2). Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở những bản làng dân tộc miền núi như những bản làng ở Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn với nhiều hoạt động tìm hiểu văn hóa, lối sống, tập tục, nghề truyền thống…sẽ mang đến cho du lịch những hiểu biết về đời sống, văn hóa cũng như về sinh hoạt của cộng đồng dân tộc vùng cao nơi đây. Đây là sản phẩm du lịch không chỉ thu hút nhiều thị trường khách du lịch quốc tế mà đến nay cũng thu hút nhiều đối tượng khách du lịch nội địa.

    . Mèo Vạc - Hà Giang

    Cuộc sống của bà con dân tộc tại huyện Mèo Vạc – Hà Giang

         (3). Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng với những cảnh quan hùng vỹ như là đỉnh đèo Mã Phì Lèng,, Hồ Ba Bể, Hang Hua Mạ, cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mẫu Sơn. Đây là những sản phẩm du lịch tiêu biểu dựa vào thế mạnh về tài nguyên sinh thái núi cao hiện đang thu hút nhiều thị trường, nhất là giới trẻ tham gia.

    Hua Mạ - Bắc Kạn    

    Hang động Hua Mạ – Bắc Cạn

         Qua quá trình đi khảo sát, đoàn cũng nhận thấy cuộc sống của cộng đồng người dân sinh sống xung quanh khu vực có di sản còn nghèo đói, không có công việc làm để có thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Do đó phát triển tốt du lịch dựa vào cộng đồng là hướng đi rất cần thiết của khu vực để tạo cơ hội cho người dân tham gia làm du lịch trong việc cung cấp các dịch vụ như homestay, bán hàng, biểu diễn các tiết mục văn nghệ bản địa…, góp phần tích cực tăng thu nhập cho cộng đồng, từ đó cộng đồng cũng sẽ có ý thức bảo vệ tài nguyên, gìn giữ văn hóa bản địa của chính nơi hộ sinh sống để phục vụ khách du lịch được tốt hơn. Quá trình liên kết giữa các nhà quản lý du lịch (Trung ương và địa phương) – Doanh nghiệp kinh doanh du lịch – Cộng đồng địa phương sẽ tạo ra mối gắn kết từ những chính sách phát triển du lịch đến những cơ chế phân chia lợi nhuận, chia sẻ khó khăn và thuận lợi cùng nhau để từng bước phát triển ngành du lịch của 6 tỉnh một cách vững mạnh và bền vững hơn.
                                                                                                                                                             Trần Thị Lan (Phòng NCCS-Viện NCPTDL)

     

    Bài cùng chuyên mục