Bài học về bảo vệ “di sản sống” của Namibia
Rất nhiều người đã biết Namibia là thiên đường du lịch dành cho những du khách đam mê khám phá cuộc sống hoang dã, song không phải ai cũng biết rằng đất nước phía Tây Nam châu Phi này đã phải nỗ lực rất nhiều để bảo vệ môi trường sống và những loài động vật hoang dã.
Biến “kẻ săn trộm” thành người bảo vệ
Với mục tiêu đưa loại hình du lịch khám phá cuộc sống hoang dã là mục tiêu phát triển dài hạn, quốc gia phía Tây Nam châu Phi – Namibia đã thực hiện các cam kết đầy tham vọng để bảo tồn môi trường sống kể từ khi chính thức thành lập vào năm 1990.
Namibia với dân số 2,2 triệu người là quốc gia đầu tiên của châu Phi đã viết vấn đề bảo vệ môi trường sống vào hiến pháp. Hơn 40% đất nước Namibia hiện đang được thụ hưởng lợi ích từ một số hình thức quản lý bảo tồn động vật hoang dã, trong đó cộng đồng địa phương được hưởng lợi.
Những vấn đề xung đột giữa con người-động vật hoang dã ở Namibia đang dần được cải thiện
khi mà chính phủ đã biến chính cộng đồng dân cư đóng vai trò “chủ thể” của những “di sản sống”
Nhiều loài động vật hoang dã của Namibia đứng trên bờ vực bị de dọa tuyệt chủng trong những năm 1980 bởi tệ nạn săn bắn trộm động vật hoang dã diễn ra tràn nan. Tuy nhiên, những tư tưởng cấp tiếp của đất nước này đã khiến cho chính những “kẻ săn bắn trộm” trở thành những người bảo vệ động vật hoang dã, giúp đảo ngược vận mệnh của những thành viên cộng đồng và dẫn đến sự gia tăng ổn định của số lượng động vật hoang dã.
Năm 1983, một nhà bảo tồn có tên Gareth Owen-Smith- một trong những người sáng lập tổ chức phi chính phủ IRDNC (Integrated Rural Development and Nature Conservation – Tạm dịch là Tổ chức bảo tồn tự nhiên và phát triển nông thôn) đã hình thành ý tưởng về hệ thống bảo vệ cuộc chơi (game guard system) song song với việc chăn nuôi gia súc ở địa phương. Ý tưởng này ban đầu được áp dụng ở khu vực Kunene của Namibia (trước đây gọi là Damaraland và Kaokoland), để ngăn chặn nạn buôn bán và săn bắn trộm tê giác đen, voi sa mạc và các loài khác.
Theo đó, người dân địa phương được giao trách nhiệm bảo vệ môi trường sống và động vật hoang dã ở trên địa bàn sinh sống của họ. Vai trò của họ không chỉ là bắt những kẻ săn trộm, mà còn ngăn chặn nạn săn bắn bất hợp pháp bằng cách mở rộng bảo tồn, giám sát động vật hoang dã và tuần tra chống săn trộm trong các lĩnh vực mà họ sinh sống. Mặc dù cách trao quyền cho cộng đồng địa phương trong việc ngăn chặn tệ nạn săn bắn trộm dường đi ngược lại với tư tưởng chính trị thời gian đó, nhưng việc này đã đóng góp to lớn cho việc phục hồi số lượng động vật hoang dã ở phía Tây Bắc Namibia. Sự tham gia tích cực của người dân địa phương trong công cuộc bảo tồn cũng như chăm sóc những loài động vật hoang dã đã trở thành một nguồn lực xã hội, kinh tế, văn hóa có giá trị.
Những tư tưởng cấp tiếp của đất nước Namibia đã khiến cho chính những “kẻ săn bắn trộm”
trở thành những người bảo vệ động vật hoang dã
Sau khi giành được độc lập vào năm 1990, chính phủ Namibia đã ghi nhận những thành công đạt được bằng hệ thống này trong việc bảo vệ động vật hoang dã, sau đó đã tranh thủ sự giúp đỡ của tổ chức IRDNC áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Kinh phí ban đầu để thực hiện ý tưởng đến từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả IRDNC và WWF, WHO, với USAid, đã đầu tư 48 triệu đô vào chương trình bảo tồn từ năm 1993. Đến năm 1996, ý tưởng đã trở nên hoàn thiện hơn: thay vì chỉ trả tiền cộng đồng địa phương để bảo vệ, chăm sóc động vật hoang dã, chính phủ Namibia đã sử dụng quyền sở hữu như một sự khuyến khích hình thành các nhóm “cộng đồng bảo tồn”. Theo đó, một cộng đồng địa phương đã được trao quyền sở hữu đối với các loài động vật hoang dã trên đất của họ.
“Nếu mọi người cảm thấy họ thực sự sở hữu một nguồn tài nguyên, nếu họ cảm thấy có trách nhiệm với nó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm và chăm sóc cho nó”, người đồng sáng lập tổ chức IRDNC Margaret Jacobsohn đánh giá. “Đây là một điều rất hợp lý. Nếu bạn thuê một căn hộ, bạn sẽ đối xử với nó một cách khác. Nếu bạn sở hữu nó, bạn sẽ đối xử với nó tốt hơn một chút”.
Nhìn vào những con số ngày hôm nay, thì rõ ràng đây là một thành công rất lớn của Namibia trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Đất nước này hiện đang sở hữu số lượng loài báo và tê giác đen lớn nhất thế giới (trong khi trước đó chúng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng). Trong một thập kỷ qua, số lượng voi đã tăng từ khoảng 13.000 đến 20.000 con. Ở phía Tây Bắc của đất nước, nơi số lượng sư tử đã từng bị giảm xuống còn hơn hai chục, bây giờ tổng số khoảng 130 con sư tử.
“Mục tiêu của dự án này là biến các nhóm “cộng đồng bảo tồn” có thể” tự cung tự cấp” khi mà việc sở hữu động vật hoang dã không đủ để đảm bảo cuộc sống và công cuộc bảo vệ động vật hoang dã lâu dài. Để cho các chương trình bảo tồn để thực sự hiệu quả, những người trong cộng đồng đó phải thừa nhận rằng họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn khi bảo vệ các loài động vật hoang dã được sống”, Jacobsohn nói.
Cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ việc bảo tồn
Khi hệ thống bảo tồn bắt đầu vào năm 1996, đã có bốn khu vực tham gia hệ thống này, tuy nhiên đem lại nguồn thu nhập không đáng kể. Đến nay, đã có hơn 74 khu vực tham gia vào công cuộc bảo tồn, đem lại thu nhập tổng cộng hơn 4.800.000 đô la. Hầu hết số tiền thu được từ việc liên doanh với các hoạt động kinh doanh du lịch và tổ chức các hình thức săn bắn cho du khách. Nhiều nhóm cộng đồng bảo tồn đã sử dụng số tiền này để quay lại đầu tư cho các trường học địa phương của họ, cung cấp các chương trình hỗ trợ cho các cá nhân nhiễm HIV/AIDS và cải thiện cơ sở hạ tầng và một loạt các dự án phát triển nông thôn khác…
Năm 2012, Namibia tham gia vào Hiệp ước KAZA giữa 5 quốc gia khu vực Nam Phi gồm Angola, Botswana, Namibia, Zambia và Zimbabwe để bảo tồn động vật hoang dã. Khu bảo tồn Xuyên biên giới Kavango-Zambezi (KAZA) được đánh giá là dự án sinh thái lớn nhất thế giới trải rộng trên 440.000km2.
Mục tiêu chính của dự án là cộng đồng nông thôn địa phương sẽ được hưởng lợi từ những số tiền thu được từ khu vực bảo tồn xuyên biên giới một cách công bằng giữa các thành viên. KAZA bao phủ 1/5 đất nước Namibia và ảnh hưởng tới 250.000 hộ dân nông thôn ở đất nước này.
Nếu thành công, KAZA cũng sẽ giúp người dân nơi đây thoát nghèo với việc bảo tồn loài voi và bảo vệ vùng đồng bằng Okavango – một trong những hệ sinh thái chức năng quy mô lớn cuối cùng của “lục địa đen” và cũng là ngôi nhà của nhiều loài động vật hoang dã bị đe dọa nhiều nhất trong khu vực, bao gồm tê giác đen, chó hoang châu Phi cùng hàng trăm loài chim quý.
Những vấn đề xung đột giữa con người-động vật hoang dã ở Namibia đang dần được cải thiện khi mà chính phủ đã biến chính cộng đồng dân cư đóng vai trò “chủ thể” của những “di sản sống”. Giờ đây cuộc sống hoang dã ở Namibia vô cùng hưng thịnh. Đây cũng là tin tốt dành cho du khách và là tiền đề để giúp du lịch đất nước ngày ngày càng phát triển./.
Hồng Dương (Theo CNN, tổng hợp thêm)
Nguồn: toquoc.vn