Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh phát triển

    1. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững về mặt kinh tế

             Các yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến phát triển du lịch bền vững về mặt kinh tế bao gồm: Thị trường khách du lịch; trình độ phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương; sự phát triển của nền sản xuất xã hội và các ngành kinh tế; hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch…

    1. Yếu tố thị trường khách du lịch

             Trước hết, để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững về mặt kinh tế thì nguồn thu từ du lịch (tổng thu từ du lịch) là yếu tố quyết định. Tổng thu từ du lịch bao gồm tất cả các khoản thu từ lưu trú, ăn uống, lữ hành và vận chuyển du lịch (của các công ty lữ hành, dịch vụ taxi…); từ bán hàng lưu niệm và các dịch vụ bổ sung khác… Nói cách khác, tổng thu từ du lịch của một quốc gia hay một địa phương là nguồn thu từ tất cả các khoản chi của khách du lịch khi tham quan ở quốc gia đó, ở địa phương đó (trừ vận chuyển quốc tế). Tổng thu từ du lịch được tính dựa trên tổng số lượt khách du lịch, số ngày lưu trú trung bình và mức chi tiêu bình quân của mỗi khách trong một ngày.

             Như vậy, yếu tố ảnh hưởng chính đến tổng thu du lịch là thị trường khách du lịch (cả quốc tế và nội địa), mà chủ yếu là số lượng (mức tăng trưởng) và chất lượng (mức chi tiêu, ngày lưu trú, trình độ văn hóa) của khách du lịch.

             + Số lượng khách du lịch: Số lượng khách du lịch là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến tổng thu du lịch; số lượng khách du lịch càng tăng thì khả năng tổng thu du lịch càng lớn. Tốc độ tăng trưởng sẽ quyết định đến số lượng khách du lịch; tốc độ tăng trưởng càng cao thì số lượng khách du lịch càng lớn và ngược lại.

             + Chất lượng khách du lịch: Ngoài yếu tố về số lượng khách du lịch, thì chất lượng khách du lịch cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tổng thu du lịch. Chất lượng khách du lịch được thể hiện qua các chỉ tiêu: Mức chi tiêu (phụ thuộc vào khả năng tài chính); ngày lưu trú trung bình (phụ thuộc vào thời gian nhàn rỗi); trình độ văn hóa (tác động đến việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ du lịch).

    – Khả năng tài chính của người dân (khách du lịch): Nền kinh tế của một quốc gia hay một địa phương phát triển sẽ làm cho người dân có mức sống cao, do đó họ có khả năng thanh toán cho các nhu cầu về du lịch trong nước cũng như ra nước ngoài. Có nhiều quốc gia, nhiều địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhưng nếu nền kinh tế lạc hậu kém phát triển thì cũng không thể phát triển du lịch và càng không thể gửi khách du lịch ra nước ngoài.

    Khi đi du lịch và lưu trú ngoài nơi ở thường xuyên, khách du lịch luôn tiêu dùng nhiều dịch vụ, hàng hóa. Để có thể đi du lịch và tiêu dùng du lịch đòi hỏi họ phải có đầy đủ về điều kiện vât chất để chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ du lịch cũng như các nhu cầu khác (lưu trú, ăn uống, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm…). Do vậy, khả năng tài chính của người dân là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch nói chung và du lịch bền vững nói riêng. Khả năng tài chính của người dân tăng là động lực để tăng khả năng chi tiêu khi đi du lịch.

    – Thời gian nhàn rỗi: Không có thời gian nhàn rỗi thì không thể thực hiện các chuyến đi du lịch. Do vậy, thời gian nhàn rỗi là một yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến việc thực hiện một chuyến đi du lịch. Thời gian nhàn rỗi có ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian dài hay ngắn của chuyến đi du lịch, từ đó ảnh hưởng đến mức chi tiêu của mỗi khách du lịch và tổng thu du lịch của điểm đến du lịch (một quốc gia hay một địa phương).

    Trước đây, người dân thường tận dụng những ngày nghỉ lễ của mình để nghỉ ngơi và làm một số việc mà khi bận công việc họ không thể làm; còn ngày nay, họ có xu hướng sử dụng ngày nghỉ lễ của mình để đi du lịch. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có những chính sách nghỉ lễ kết hợp với nghỉ bù nhằm tạo điều kiện cho người dân có thời gian để đi du lịch dài ngày hơn.

    – Trình độ văn hóa, trình độ dân trí: Trình độ văn hóa, trình độ dân trí của người dân là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu đi du lịch. Những người có trình độ văn hóa, trình độ dân trí cao thường có cơ hội tốt hơn để tăng thu nhập của mình; họ có nhu cầu cao hơn trong việc sáng tạo, nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh để tăng thêm hiểu biết của mình; đồng thời họ cũng là những người chịu áp lực lớn của công việc hàng ngày… Chính những yếu tố này đã tạo nên nhu cầu đi du lịch hơn bao giờ hết.

    Phần lớn những người tham gia vào chuyến du lịch, đặc biệt là những chuyến đi du lịch nước ngoài là những người có trình độ văn hóa nhất định và họ mới cảm nhận và hiểu hết giá trị của chuyến tham quan du lịch. Ở các nước (ở địa phương) mà người dân có trình độ văn hóa cao thì tỷ lệ người đi du lịch ra ngoài thường cao hơn và có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân – điểm đón khách du lịch cũng tác động lớn đến phát triển du lịch (môi trường du lịch đảm bảo; an ninh – trật tự – an toàn được đảm bảo; dịch vụ du lịch chuyên nghiệp; hạn chế nạn ăn xin, cướp giật, ép khách mua hàng…).

    1. Yếu tố về phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương

      Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát sinh và phát triển du lịch là tình trạng phát triển kinh tế chung của một quốc gia, của một địa phương. Nền kinh tế phát triển là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của ngành kinh tế du lịch. Một quốc gia (địa phương) nghèo nàn và lạc hậu thì không thể phát triển du lịch được, bởi vì thông qua du lịch sẽ thỏa mãn được các nhu cầu cho khách du lịch. Do vậy, để đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch đòi hỏi phải chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở về hạ tầng, điều kiện ăn nghỉ, vui chơi giải trí… Các chuyên gia kinh tế thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc cho rằng, một đất nước có thể phát triển du lịch một cách bền vững nếu 80% các điều kiện vật chất cần thiết cho khách du lịch được sản xuất trong nước.

    Thu nhập và phúc lợi vật chất của người dân luôn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập quốc dân của đất nước hay của địa phương. Nền kinh tế của đất nước (của địa phương) có phát triển thì thu nhập của nhân dân mới tăng và du lịch mới có điều kiện để phát triển.

    Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Sự phát triển của du lịch có ảnh hưởng tương hỗ với nhiều ngành kinh tế quan trọng khác như: Nông nghiệp, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin viễn thông; Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Đây là những ngành kinh tế và dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch, nếu các ngành này mà kém phát triển thì du lịch khó có thể phát triển và phát triển bền vững.

    – Ngành Nông nghiệp phát triển sẽ đáp ứng trực tiếp lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác cho khách du lịch. Ngoài ra, nông nghiệp phát triển còn tạo ra những điều kiện tham quan, trải nghiệm… cho khách du lịch.

    – Ngành Công nghiệp phát triển có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển du lịch: cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, rượu bia, nước giải khát… cho nhu cầu của khách du lịch; tạo các điểm tham quan, trải nghiệm. Ngành Công nghiệp phát triển còn cung cấp điện, nước cho các hoạt động du lịch. Nếu thiếu điện và nước thì du lịch không thể phát triển.

    – Ngành Xây dựng phát triển có ảnh hưởng lớn đến việc thiết kế xây dựng các công trình du lịch, hệ thống các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

    – Du lịch chính là sự di chuyển của con người từ nơi ở đến địa điểm du lịch. Do vậy, giao thông vận tải đã trở thành một trong những yếu tố chính cho sự phát triển của du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Giao thông vận tải ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch trên hai phương diện: Số lượng và chất lượng. Sự phát triển về số lượng làm cho mạng lưới giao thông vươn tới mọi nơi trên thế giới. Chất lượng của phương tiện giao thông ảnh hưởng tới chuyến du lịch ở các mặt sau: tốc độ, an toàn, tiện nghi, giá cả.

    – Hệ thống Thông tin viễn thông là một trong những yếu tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch, đảm bảo cho thông tin được liên tục, thông suốt trong quá trình khách đi du lịch. Thông tin là những nhu cầu trao đổi các luồng tin khác nhau của cá nhân và xã hội được thỏa mãn bằng các loại hình truyền tin khác nhau: điện thoại, máy tính, vô tuyến truyền hình, internet… Ngày nay khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển thì càng có nhiều hình thức truyền tin khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, quảng bá và lan truyền các thông tin du lịch.

    1. Yếu tố về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

    Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tạo ra các sản phẩm và dịch vụ du lịch cũng như quyết định mức độ khai thác tiềm năng du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách. Chính vì vậy sự phát triển của ngành du lịch bao giờ cũng gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật.

    Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bao gồm nhiều thành phần với những chức năng khác nhau và có ý nghĩa nhất định đối với việc tạo ra các sản phẩm du lịch: cơ sở lưu trú; cơ sở ăn uống; các phương tiện vận chuyển du lịch chuyên dùng; cơ sở vui chơi giải trí, thể thao; các trung tâm dịch vụ thương mại…

    1. Yếu tố khủng hoảng kinh tế

    Khủng hoảng kinh tế khu vực, khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Khủng hoảng kinh tế sẽ làm cho nền kinh tế các nước suy thoái, trì trệ; mọi hoạt động thương mại, giao thương giữa các khu vực, giữa các nước trên thế giới sẽ bị ngưng trệ… Song hành với các cuộc khủng hoảng kinh tế là nạn thất nghiệp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành “Cầu du lịch”. Do vậy, muốn cho ngành du lịch phát triển bền vững thì trước hết các quốc gia trên thế giới cần tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng thương mại với quy mô lớn.

    1. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững về mặt tài nguyên – môi trường

             Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững về mặt tài nguyên – môi trường bao gồm: Tài nguyên du lịch (tài nguyên tự nhiên và văn hóa); môi trường du lịch…

    1. Yếu tố tài nguyên du lịch

             Tài nguyên du lịch là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch và là một trong những yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch. Tính chất đặc thù của tài nguyên du lịch (tính độc đáo, hấp dẫn, duy nhất…) cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi điểm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị đặc sắc, nổi trội, độc đáo của tài nguyên du lịch thì điều kiện về vị trí địa lý (gần các thị trường nguồn, dễ tiếp cận; vị trí kinh tế – xã hội…) cũng rất quan trọng, là một trong những điều kiện cần để phát triển du lịch.

    * Tài nguyên du lịch tự nhiên: Tài nguyên du lịch tự nhiên chủ yếu bao gồm các giá trị về địa hình, khí hậu, nguồn nước, sinh vật. Những nguồn tài nguyên này có giá trị rất lớn trong hoạt động du lịch.

    + Tài nguyên địa hình: Trong phát triển du lịch, tính đa dạng của địa hình có ý nghĩa rất quan trọng. Những nơi địa hình phức tạp, có độ dốc, mức độ chia cắt lớn sẽ tạo nên sự khác biệt, tương phản về địa hình là nền tảng để hình thành nên những cảnh quan hùng vĩ thu hút khách du lịch với những loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá… (hang động, đèo dốc, thác nước), nhưng loại địa hình này cũng gây ra những khó khăn cho việc đi lại, cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch. Ngược lại, những nơi địa hình bằng phẳng lại tạo nên sự đơn điệu của địa hình vì thế ít có giá trị về cảnh quan mà chỉ có giá trị khai thác về du lịch văn hóa, tìm hiểu lịch sử, truyền thống bởi đây là những nơi thuận lợi cho con người sinh sống và phát triển từ lâu đời.

    + Tài nguyên khí hậu: Là thành phần cơ bản của tự nhiên có ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động du lịch. Vai trò của khí hậu đối với du lịch thường được xem xét dưới góc độ là yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành các chương trình du lịch ảnh hưởng của khí hậu đối với hoạt động du lịch được biểu hiện như sau:

    – Mỗi loại hình du lịch đòi hỏi phải có những điều kiện khí hậu khác nhau, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Ví dụ: Những nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, độ ẩm vừa phải phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch leo núi mạo hiểm; những nơi có khí hậu nắng nóng, có số giờ nắng cao, không khí thoáng, độ ẩm lớn, số ngày mưa ít… thì phù hợp với du lịch biển.

    – Tính mùa vụ của du lịch chịu ảnh hưởng chủ yếu của yếu tố khí hậu. Mỗi loại hình du lịch phù hợp với một thời điểm nhất định trong năm: mùa du lịch cả năm phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh suối khoáng; mùa hè phát triển các loại hình du lịch biển, leo núi…

    + Tài nguyên nước: Nguồn nước tồn tại dưới hai hình thức là nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Cả hai loại nguồn nước này đều có những giá trị nhất định đối với hoạt động du lịch.

    – Nước mặt tồn tại chủ yếu dưới dạng biển, sông suối, ao hồ… Đây là những nơi không chỉ có giá trị cung cấp nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của con người, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động du lịch như tắm biển, lướt ván, đua thuyền, du lịch thám hiểm biển…

    – Nước ngầm tồn tại chủ yếu dưới dạng các mạch nước ngầm, suối nước nóng, nước khoáng. Các suối nước nóng, nước khoáng có tác dụng rất lớn trong việc phục hồi sức khỏe, làm đẹp cho con người. Ở những nguồn suối khoáng nóng thường được xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch.

    + Tài nguyên sinh vật: Bao gồm thế giới động vật và thực vật, là yếu tố quan trọng đặc biệt của tự nhiên, được khai thác cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu tính đa dạng sinh học, du lịch thám hiểm rừng, tham quan vườn quốc gia… Những loại hình du lịch này thường được phát triển ở những nơi có hệ sinh thái đa dạng; có các loài động thực vật điển hình, đặc hữu… Đây chính là những yếu tố tạo nên sức hút đối với khách du lịch.

    * Tài nguyên du lịch văn hóa

    Tài nguyên du lịch văn hóa chủ yếu bao gồm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa; các lễ hội, làng nghề truyền thống; các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc; ẩm thực; các thành tựu về kinh tế – văn hóa – xã hội…

    Xu hướng hiện nay, khách du lịch khi đến một quốc gia, một địa phương đều có chung mục đích là khám phá, nghiên cứu, trải nghiệm các giá trị văn hóa ở điểm đến du lịch. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều có những giá trị văn hóa đặc sắc khác nhau. Do vậy, tài nguyên du lịch văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch, là nhân tố tạo nên sự khác biệt, sự hấp dẫn riêng cho mỗi điểm đến du lịch.

    + Hệ thống các di tích văn hóa lịch sử – cách mạng: Nguồn tài nguyên du lịch văn hóa có ảnh hưởng lớn nhất đến các hoạt động du lịch nói chung và du lịch bền vững nói riêng của mỗi quốc gia, mỗi địa phương là hệ thống các di tích văn hóa lịch sử – cách mạng. Ở Việt Nam, hệ thống di tích này được phân theo các cấp sau: Các di sản văn hóa thế giới (vật thể và phi vật thể); các di tích cấp quốc gia đặc biệt, các di tích cấp quốc gia, các di tích cấp tỉnh, các di tích chưa xếp hạng.

    Các di sản văn hóa thế giới và các di tích cấp quốc gia đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị bậc nhất của nước ta, nó phản ánh tiến trình phát triển của lịch sử, trình độ phát triển của mỗi vùng miền qua các thời kỳ. Vì vậy, có giá trị vô cùng to lớn trong các hoạt động du lịch văn hóa.

    + Lễ hội: Là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc, phản ánh đời sống tâm linh của người dân địa phương. Lễ hội đã tạo nên những bức tranh muôn màu về phong tục, tập quán của các dân tộc.

    Từ xa xưa tới nay, lễ hội luôn thu hút được sự tham gia của nhiều người và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đại bộ phận dân cư trong nước cũng như trên thế giới. Lễ hội là nơi con người có thể quay về với nguồn gốc sơ khai của mình, hướng về với tổ tiên, nguồn cội; và cũng đã trở thành một loại sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có khả năng hấp dẫn khách du lịch rất cao. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi điểm đến du lịch đều có những lễ hội rất riêng mang linh hồn của dân tộc. Vì thế trong giai đoạn hội nhập hiện nay việc duy trì, bảo tồn, tránh thương mại hóa các lễ hội là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu.

    + Làng nghề truyền thống: Làng nghề truyền thống là làng có nghề cổ truyền được hình thành từ lâu đời, tồn tại và phát triển tới ngày nay. Như vậy, để cấu thành nên làng nghề cần có hai yếu tố: làng và nghề, trong đó nghề trong làng đã tách khỏi sản xuất nông nghiệp thành ngành kinh doanh độc lập. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh, giao thoa và phát triển các giá trị văn hóa, văn minh lâu đời của mỗi dân tộc; được các nghệ nhân dân gian sáng tạo ra và truyền từ đời này sang đời khác.

    Đến tham quan trải nghiệm các làng nghề truyền thống, khách du lịch không chỉ để tìm hiểu, thưởng thức các giá trị nghệ thuật mà nó còn là dịp để du khách có thể trải nghiệm, hưởng thụ những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi làng nghề. Do đó việc bảo tồn, phát huy các làng nghề thủ công truyền thống có giá trị rất lớn với hoạt động du lịch.

    + Các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc: Mỗi dân tộc đều có đặc điểm về thuần phong mỹ tục, phong cách sống, đặc điểm về văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất mang sắc thái riêng… Vì vậy, trong chuyến đi của mình, mỗi khách du lịch đều mong muốn được gặp gỡ, đối thoại, giao lưu với người dân địa phương để có những hiểu biết khác nhau về văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới và tìm ra nét riêng của dân tộc mình.

    1. Yếu tố môi trường du lịch

    Đối với bất kỳ ngành kinh tế nào, sự phát triển bền vững cũng gắn liền với vấn đề môi trường. Điều này càng quan trọng hơn đối với sự phát triển của ngành du lịch, nơi mà môi trường được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của các hoạt động du lịch. Ở những nơi mà môi trường tự nhiên bị suy thoái và ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, do vậy khó có thể thu hút khách du lịch và ngành du lịch ở đây cũng khó phát triển. Đối với môi trường văn hóa xã hội nếu bị ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều khía cạnh do các hoạt động du lịch gây ra như: làm thay đổi các hệ thống giá trị, tư cách cá nhân, quan hệ gia đình, lối sống tập thể, hành vi đạo đức, những lễ nghi truyền thống và các tổ chức cộng đồng; thương mại hóa các hoạt động văn hóa truyền thống, làm mất sự lễ nghi đối với các nghi thức tôn giáo, làm ảnh hưởng đến bầu không khí thiêng liêng truyền thống trong các lễ hội… thì cũng sẽ không có sức hấp dẫn với khách du lịch và ngành du lịch cũng không thể phát triển. Từ những vấn đề trên cho thấy, môi trường (cả tự nhiên và xã hội) là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững.

    Thực trạng môi trường du lịch tự nhiên hiện nay ở một số điểm đến du lịch ở Việt Nam bắt đầu đã bị ảnh hưởng và suy giảm do các hoạt động kinh tế và du lịch gây ra (khai thác khoáng sản, lâm sản; xây dựng thủy điện; san lấp trong xây dựng; khí thải, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động du lịch…). Bên cạnh đó, môi trường văn hóa xã hội cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều khía cạnh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch… Chính vì vậy, để giảm thiểu sự suy thoái và ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch cần có những giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương như: Quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; Tuyên truyền, giáo dục đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở dịch vụ du lịch; Có chế tài xử phạt mọi hành vi vi phạm đối với những hành động phá hoại tài nguyên và môi trường…

    1. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững về xã hội
    2. Yếu tố cộng đồng dân cư địa phương

    Là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và xã hội hóa cao, hoạt động phát triển du lịch cần phải gắn liền với sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương – nơi có tài nguyên du lịch. Do vậy, vai trò của cộng đồng trong hoạt động du lịch là rất quan trọng, luôn đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững về mặt văn hóa xã hội, mặt khác tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển Nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

    Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho riêng cộng đồng mà còn cho sự phát triển bền vững chung của du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khi cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, được coi là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện các kế hoạch và chiến lược du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nông thôn.

    Thực tế cho thấy, cộng đồng dân cư địa phương chủ động tham gia, phối hợp với hoạt động du lịch tại địa phương đảm bảo thu được những kết quả tốt nhất. Vì cư dân địa phương là người hiểu rõ bản thân cộng đồng, những giá trị về tài nguyên và là lời cam kết tin cậy nhất về chất lượng dịch vụ… dành cho khách du lịch.

    Hơn thế nữa, có thể thấy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại địa phương, tăng sự gắn kết, đoàn kết giữa cộng đồng, làm hài lòng, thỏa mãn những nhu cầu của du khách, phân phối công bằng chi phí và lợi ích, thỏa mãn nhu cầu của địa phương…

    1. Yếu tố nguồn nhân lực du lịch

    Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch phụ thuộc vào chất lượng của người lao động (thái độ phục vụ, khả năng giao tiếp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ…). Ngành du lịch muốn phát triển bền vững cần phải có các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, có khả năng kích thích chi tiêu của khách du lịch. Để có được các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng, vào khả năng, vào trình độ của nguồn nhân lực du lịch. Do đó, nguồn nhân lực du lịch là yếu tố ảnh hưởng tương hỗ đến phát triển du lịch bền vững. Du lịch phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội (bao gồm cả nguồn nhân lực du lịch trực tiếp và lao động gián tiếp ngoài xã hội), ngược lại số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực du lịch lại ảnh hưởng ngược lại cho du lịch phát triển bền vững.

    Nguồn nhân lực du lịch có thể phân thành 3 nhóm sau:

    • Nhóm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về du lịch
    • Nhóm thực hiện chức năng sự nghiệp ngành du lịch
    • Nhóm thực hiện chức năng kinh doanh du lịch

    Mỗi nhóm đều có vị trí, vai trò, đặc trưng riêng. Trong đó, nhóm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển ngành du lịch và quản lý ngành du lịch. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch bền vững. Chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch của mỗi quốc gia, mỗi địa phương được chú trọng cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

    1. Các yếu tố ảnh hưởng chung đến phát triển du lịch bền vững cả về kinh tế; tài nguyên môi trường; và xã hội
    2. Yếu tố về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

    Bầu không khí chính trị hòa bình, hữu nghị đảm bảo cho việc mở rộng các mối quan hệ kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa và chính trị giữa các dân tộc trên thế giới. Trong phạm vi các mối quan hệ kinh tế quốc tế, sự trao đổi du lịch quốc tế cũng ngày càng được phát triển mở rộng.

    Ngành du lịch chỉ có thể phát triển được dưới bầu không khí hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc; đó là điều kiện để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho khách du lịch, là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch. Ở đâu có chiến tranh, có khủng bố, có xung đột vũ trang, có xung đột sắc tộc (thậm chí là cấm vận)…, thì ở đó du lịch sẽ không thể phát triển. Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam là đất nước có nền chính trị hòa bình ổn định, đang là đối tác tin cậy và là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện. Đây là yếu tố rất quan trọng, đã và đang ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch bền vững ở nước ta.

    Để du lịch không ngừng phát triển, phát triển bền vững và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với các hoạt động du lịch cũng như các ngành kinh tế khác có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Sự bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh tạo môi trường ổn định cho đất nước và khách tới tham quan.

    1. Yếu tố về thiên tai, dịch bệnh

    + Thiên tai (động đất, sóng thần, bão lũ…) là một trong những yếu tố tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch. Tuy nhiên, yếu tố này không thường xuyên xảy ra và cũng chỉ ảnh hưởng tức thời đến sự phát triển du lịch. Do vậy, sự phục hồi của du lịch sau những thiên tai thường không kéo dài, nhưng sau mỗi thiên tai lớn xảy ra thường để lại hậu quả nặng nề cho hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch mà ngành du lịch phải mất nhiều nguồn lực để phục hồi.

    Thực tế cho thấy, ở nước ta, đặc biệt là ở khu vực Miền Trung – nơi có nhiều di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo nhưng hàng năm lại hứng chịu nhiều trận bão lớn; ở Tây Bắc thường xuyên có lũ quét, lũ ống có sức công phá lớn đến hệ thống hạ tầng du lịch…, gây khó khăn cho phát triển du lịch. Thảm họa sóng thần năm 2004 xảy ra ở Đông Nam Á, Nam Á đã gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển du lịch. Nhiều du khách bị thiệt mạng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch bị phá hủy nặng nề. Bên cạnh đó là sự phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh như tả lỵ, dịch hạch, sốt rét.

    + Dịch bệnh cũng là một yếu tố ảnh hưởng nặng nề đến phát triển du lịch đối với cả nơi gửi khách đi và nơi đón khách đến. Thực tế đã chứng minh rằng: Năm 2003 bệnh SARS ở Trung Quốc, dịch cúm gà ở Việt Nam gây nên những tổn thất lớn cho du lịch Trung Quốc và Việt Nam và gián tiếp ảnh hưởng đến luồng khách du lịch đến khu vực.

    Và đặc biệt, hiện nay đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu; đã, đang và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh tế thế giới. Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 cả về mặt kinh tế và xã hội.

    Về mặt xã hội, hàng chục triệu học sinh, sinh viên buộc phải nghỉ học dài ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình giáo dục đào tạo của nhà nước; hàng chục triệu lao động rơi vào tình trạng mất việc làm, không có thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ; Đảng, Nhà nước, Quốc hội phải ra lời kêu gọi toàn dân tích cực tham gia chống dịch; Chính phủ đã phải ban hành chỉ thị 15, 16 phong tỏa toàn quốc… để hạn chế sự lây lan của Đại dịch.

    Về mặt kinh tế, Nhà nước, Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng và chống dịch, đồng thời đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ người dân ứng phó với đại dịch; nền kinh tế cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng; ngành hàng không phải dừng hoạt động, hàng nghìn nhân viên phải nghỉ việc, thiệt hại kinh tế lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng; ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề chưa từng có, luồng khách quốc tế đến Việt Nam từng bước bị hạn chế và phong tỏa hoàn toàn, các công ty lữ hành, hệ thống khách sạn, các cơ sở dịch vụ gần như phải ngừng hoạt động, thiệt hại kinh tế cũng lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng…

    Đại dịch Covid-19 xảy ra đúng vào mùa cao điểm khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và đúng vào mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách du lịch nội địa trên phạm vi cả nước. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường và ảnh hưởng tiêu cực chưa từng có đến ngành du lịch Việt Nam. Các thị trường chính của Du lịch Việt Nam trong những năm qua là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu… đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến luồng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chính phủ buộc phải ngừng cấp thị thực cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, theo đó nguồn thu từ du lịch suy giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động kinh doanh hoặc giảm việc làm, hoạt động cầm chừng hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh, thậm chí phá sản.

    1. Yếu tố về chính sách phát triển du lịch

    Có thể nói chính sách phát triển du lịch là chìa khóa dẫn đến thành công hay thất bại trong việc phát triển du lịch. Nói cách khác, chính sách là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển du lịch bền vững. Đường lối chính sách đúng đắn, thích hợp luôn là điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển, mang lại hiệu quả cao và bền vững. Cơ chế chính sách phát triển du lịch có ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động du lịch từ khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch đến đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư, quy hoạch du lịch, các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch…

    Các quốc gia (các địa phương) có chính sách cởi mở, thông thoáng (miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan…); có cơ chế đặc thù (cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế ưu đãi về thuế…) hấp dẫn trong phát triển du lịch sẽ kích thích các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển; còn nếu ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.

    Đường lối đối ngoại, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, trong đó có chính sách phát triển du lịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Các chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh du lịch, đi lại, lưu trú, tham quan, mua sắm thuận tiện, không phiền hà là yếu tố hấp dẫn, ảnh hưởng đến “cầu du lịch”. Nhiều nước coi việc cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh và thủ tục hải quan, chính sách thuế (liên quan trực tiếp đến du lịch là cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch mua hàng mang ra khỏi đất nước và chính sách thuế thu nhập) là khâu đột phát để phát triển du lịch.

    Các chính sách ảnh hưởng đến “Cung du lịch” bao gồm: Chính sách đầu tư, Chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Chính sách phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch; Chính sách về vốn; Chính sách thị trường; Chính sách nghiên cứu khoa học, công nghệ du lịch và môi trường và Chính sách cải cách hành chính

    TS. Lê Văn Minh

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục